Lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu

(BKTO) - Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

lay-hanh-phuc-cua-nhan-dan-lam-muc-tieu-phan-dau.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp xúc cử tri các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình và Tây Hồ (Hà Nội). Ảnh: ST

Lịch sử 94 năm ra đời, trưởng thành, phát triển, lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh rất sinh động khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư.

Ngay khi Đảng mới thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định sứ mệnh của Đảng là lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo nhân dân thực hiện mục tiêu độc lập, tự do, ấm no hạnh phúc, theo tinh thần tất cả vì nhân dân mà cống hiến hy sinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác và nhiệm vụ của Đảng là một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Với tư tưởng tôn trọng nhân dân, quyền dân chủ của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhà nước dân chủ và trong bộ máy cách mạng của nhà nước ấy: “Từ người quét nhà, nấu ăn cho đến một chủ tịch một nước đều là phân công làm đầy tớ cho dân”.

Mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, Đảng lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo nhân dân bằng đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước với mục tiêu phục vụ lợi ích của nhân dân, đất nước. Ngày 10/4/1956, phát biểu tại Hội nghị cán bộ phát động miền biển, Hồ Chủ tịch nói: “Tất cả những việc Đảng và Chính phủ đề ra đều nhằm cải thiện đời sống cho nhân dân. Làm gì mà không nhằm mục đích ấy là không đúng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phân tích rất cụ thể việc Đảng phải đem lại cả độc lập tự do và ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Người chỉ ra nếu đất nước được độc lập mà nhân dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì và người dân sẽ chỉ biết được rõ giá trị của độc lập, tự do khi người dân được “ăn no, mặc đủ”. Người xác định rõ: “Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”.

Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng luôn yêu cầu Đảng cùng đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nỗ lực phấn đấu, tiên phong, gương mẫu, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để đem lại độc lập tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả, cần thiết, đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên, toàn diện với nỗ lực rất cao của mọi cán bộ, đảng viên: “Tất cả cán bộ, đảng viên của Đảng phải vì Đảng, vì dân mà hăng hái phấn đấu. Phải chịu khó học tập chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng lực, làm cho kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống nhân dân ngày càng no ấm, tươi vui”. Trước lúc đi xa, trong Di chúc lịch sử để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhân dân ta có truyền thống rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù và từ khi có Đảng, nhân dân ta luôn luôn trung thành đi theo Đảng, vì vậy “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang quán triệt, duy trì, phát triển, thực hiện thành công tư tưởng trên vào thực tiễn cách mạng hiện nay. Đảng ta quyết tâm kiên định thực hiện mục tiêu: “Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam. Chúng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”.

Đảng luôn xác định lấy con người là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là động lực và mục tiêu của sự phát triển. Chúng ta cần chú trọng ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa, xã hội; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân đối với Đảng và chế độ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định một yêu cầu có tính nguyên tắc để đảm bảo nền kinh tế Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, là: “Mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn”.

Trên thực tế, tinh thần đó đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chung sức, đồng lòng hăng hái thực hiện có hiệu quả thiết thực. Theo báo cáo của Chính phủ năm 2023, chúng ta đã chủ động, tích cực bám sát tình hình, quan tâm chỉ đạo kịp thời, thực hiện tốt các chính sách phát triển văn hóa, xã hội, người có công, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống của các tầng lớp nhân dân với thành công nổi bật là hoàn thành các chỉ tiêu về xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Qua đó, chúng ta cũng rút ra được bài học kinh nghiệm thành công là: Cùng với việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân vì sức mạnh nhân dân chính là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển.

Chặng đường phía trước của cách mạng Việt Nam còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng chúng ta tuyệt đối tin tưởng: “Với hướng đi đúng đắn, hợp quy luật, ý Đảng hợp với lòng dân; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng vươn lên mãnh liệt và ý chí, quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhất định sẽ lập nên những kỳ tích phát triển mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc”./.

Cùng chuyên mục
Lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu