Các DN ngành xây dựng - vật liệu xây dựng đã phải ứng phó với nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: TTXVN |
Nhiều doanh nghiệp vẫn tăng trưởng về doanh thu
Ngành xây dựng đã trải qua năm 2021 đầy khó khăn do những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm 2021, nhờ kinh nghiệm có được từ năm 2020 và sự thích ứng tốt của các DN, tăng trưởng của ngành đạt 5,59%, cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2020 là 4,54%. Tuy nhiên, dưới tác động kéo dài và sự bùng phát mạnh của đợt dịch thứ tư, nhiều địa phương trong đó có Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh buộc phải thực hiện giãn cách xã hội. Phần lớn các dự án nằm trong các tỉnh thành bị giãn cách đều phải ngừng thi công. Các dự án nằm ngoài khu vực giãn cách cũng bị đình trệ do đứt gãy nguồn cung vật tư và nhân lực.
Tổn thất kinh tế có thể nhìn thấy rõ là chi phí duy trì bộ máy, chi phí phòng, chống dịch, chi phí huy động nguồn lực sau các đợt giãn cách... Trong số các DN tham gia khảo sát của Vietnam Report mới đây, 37,9% số DN cho biết trên 20% số dự án/hợp đồng của họ bị chậm tiến độ hoặc ảnh hưởng chi phí do dịch Covid-19. Bên cạnh diễn biến phức tạp của dịch, biến động giá nguyên vật liệu đã trở thành gánh nặng đối với các nhà thầu xây dựng.
Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu dùng trong xây dựng tăng 6,4% so với năm 2020. Hai loại vật liệu xây dựng quan trọng nhất là thép và xi măng lần lượt tăng giá khoảng 40% và 8,4%. Do chi phí vật liệu xây dựng chiếm khoảng 65-70% giá dự toán xây dựng công trình, việc tăng giá vật liệu xây dựng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư xây dựng, hiệu quả của nhiều dự án, bào mòn biên lợi nhuận của DN.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành xây dựng trong năm 2021 chỉ đạt 0,63% - đây là mức rất thấp so với tăng trưởng trung bình 7,2% trong 10 năm trở lại đây. Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 53,3% số DN trong ngành vẫn ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu mặc dù mức tăng trưởng chủ yếu dưới 25%.
Biến động giá nguyên vật liệu ảnh hưởng lớn đến các nhà thầu. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn |
Khảo sát cũng chỉ ra rằng biến động doanh thu của phần lớn DN nằm trong khoảng tăng/giảm 25% trong khi biên độ thay đổi của lợi nhuận lớn hơn, nằm trong khoảng tăng/giảm 50%. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh quá nhiều khó khăn bủa vây DN.
Nhiều chuyên gia đánh giá, đóng góp quan trọng nhất và có tính quyết định vào kết quả kinh doanh tích cực đó chính là việc chuyển hướng từ “chống dịch như chống giặc” sang “sống chung an toàn và thích ứng với đại dịch” của Chính phủ. Đã có 72,4% số DN cho rằng xu hướng này là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng năm 2022.
Cùng với sự chuyển động trong chính sách của Chính phủ thì uy tín DN cũng tạo động lực mạnh mẽ giúp 96,6% số DN trong ngành xây dựng vượt qua những khó khăn. Việc xây dựng một thương hiệu uy tín cần mất nhiều thời gian, đặc biệt đối với các DN ngành xây dựng - vật liệu xây dựng do thời gian thi công thường kéo dài từ 2-3 năm, chưa kể vòng đời sản phẩm/dự án (thiết kế, sản xuất vật liệu, xây dựng, sử dụng, phá dỡ) có thể kéo dài tới vài chục năm.
Những điểm sáng mở ra triển vọng tăng trưởng
Điểm sáng tích cực trong bức tranh của các DN ngành xây dựng - vật liệu xây dựng thời gian qua là tốc độ đầu tư và áp dụng công nghệ. Theo kết quả khảo sát tháng 2/2022, gần 2/3 số DN đã phản hồi rằng họ đã nắm bắt công nghệ để duy trì hoạt động kinh doanh trong những thời điểm bị gián đoạn, từ đó gặt hái được nhiều lợi ích và giải quyết được một số vấn đề chính là tính an toàn, năng suất và tình trạng thiếu lao động. Trong đó, hệ thống hoạch định nguồn nhân lực DN; nền tảng công nghệ di động; điện toán đám mây và dữ liệu lớn là 4 công nghệ có mức độ ứng dụng cao nhất.
Nhu cầu ứng dụng công nghệ ngày càng trở nên mạnh mẽ khi phần lớn các DN trong ngành đang đầu tư cho công nghệ ở mức vừa phải hoặc cao. Ba công nghệ được đánh giá có tiềm năng mang lại hiệu quả đầu tư lớn nhất bao gồm: phân tích dữ liệu nâng cao (65,5%), mô hình thông tin xây dựng (55,2%) và nền tảng di động (31%).
Một điểm tích cực khác là các DN ngành xây dựng đã quan tâm hơn đến việc xây dựng hệ sinh thái ngành có tính kết nối thông qua phân tích dữ liệu nâng cao và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giúp DN chuyển đổi cách tiếp cận giải quyết vấn đề từ phản ứng sang dự đoán.
Trong số các ngành kinh tế, các DN ngành xây dựng cũng khá chủ động trước những ảnh hưởng từ đại dịch nhờ kinh nghiệm quản trị khủng khoảng có được từ cách đây hơn 10 năm. Khảo sát cho thấy, 86,7% số DN trong ngành đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phản ứng ngay lập tức, thích nghi tốt và chịu ít tác động; 6,7% số DN không có sự chuẩn bị nhưng đã phản ứng nhanh chóng và dứt khoát để phục hồi. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 3,3% số DN phản ứng chậm và kỳ vọng sẽ phục hồi trong tương lai và 3,3% số DN chưa phục hồi hoàn toàn.
Từ những bài học rút ra trong 2 năm ứng phó với đại dịch, các DN ngành xây dựng nhận định tầm quan trọng của việc xây dựng khả năng phục hồi khi triển khai các dự án và phân bổ nguồn vốn của họ đạt 4,3 điểm trên thang điểm 5 - mức rất quan trọng. Khảo sát cũng cho thấy, 100% số DN đã và đang cam kết hành động quyết liệt để cải thiện khả năng phục hồi trước sự gián đoạn có thể xảy ra trong tương lai, trong đó 33,3% số DN đã có những giải pháp thiết thực; 43,3% số DN đang trong quá trình triển khai và 23,4% số DN đang lập kế hoạch.
Chắc chắn, những DN nào đầu tư tốt cho khả năng phục hồi kinh doanh thì không những có thể vượt qua khó khăn từ những rủi ro và gián đoạn mà còn có thể phục hồi nhanh hơn và tăng trưởng bứt phá trong giai đoạn tiếp theo./.