“Lỗ hổng” trong quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

(BKTO) - Việc sử dụng thuốc lá nung nóng (TLNN), thuốc lá điện tử (TLĐT) đang gia tăng nhanh chóng trong giới trẻ, gây ra nhiều tác hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, tại Việt Nam còn thiếu hành lang pháp lý để quản lý các loại thuốc lá mới này…

1__thuocla_1511359581021-11_51_23_649.jpg
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong giới trẻ ngày càng gia tăng nhanh chóng. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

Hệ lụy khôn lường

Tại Phiên giải trình “Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, những năm gần đây, bên cạnh thuốc lá “truyền thống”, đã xuất hiện những loại hình thuốc lá mới như TLNN, TLĐT và loại kết hợp giữa TLĐT, TLNN. Tình hình trở nên phức tạp khi tỷ lệ sử dụng các loại thuốc lá này ngày càng tăng, nhất là ở giới trẻ, đặc biệt là đối với học sinh - nhóm đối tượng hiểu biết chưa đầy đủ và dễ bị tác động, lôi kéo.

Hiện nay, trên thị trường, đã xuất hiện tình trạng pha trộn, tẩm ướp các chất gây nghiện trong sản phẩm TLĐT, TLNN. Trong khi đó, việc quảng cáo, mua bán qua mạng xã hội tràn lan, thiếu kiểm soát chất lượng, nhất là các sản phẩm TLĐT, TLNN nhập lậu.

Báo cáo về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo kết quả tổng hợp từ các cuộc điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (GSHS 2019), Bộ Y tế (GYTS 2022), và kết quả sơ bộ nghiên cứu Thực trạng sử dụng TLĐT, TLNN trong học sinh tại 11 tỉnh, thành phố năm 2023, tỷ lệ sử dụng TLĐT trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ này đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023. Ở nữ giới tuổi 11-18, cũng theo kết quả sơ bộ của điều tra tại 11 tỉnh năm 2023 thì tỷ lệ sử dụng TLĐT là 4,3%.

 Theo báo cáo của gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và CDC Hoa Kỳ, bằng chứng hiện nay đã đủ cho thấy, các sản phẩm thuốc lá mới gây ra các bệnh mãn tính nguy hiểm cho người sử dụng. Những tác hại đã được biết đến bao gồm: gây nghiện do có chứa nicotine, ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần. Đặc biệt, TLĐT còn có nguy cơ gây ra nhiều ảnh hưởng cấp tính nguy hiểm và nguy cơ phát sinh các vấn đề xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá thông thường. TLNN cũng chứa các chất độc hại tương tự như khói thuốc lá điếu thông thường, nhiều trong số đó có thể gây ung thư, bệnh tim mạch và hô hấp...

“TLĐT, TLNN cũng làm tăng nguy cơ dẫn tới sử dụng thuốc lá điếu ở người trẻ. Nghiên cứu cho thấy, thanh thiếu niên và người trẻ chưa bao giờ hút thuốc lá nhưng khi sử dụng thuốc lá điện tử thì có nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá điếu cao hơn 3,5 lần so với với những người chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Nên quản hay cấm?

Tại Phiên giải trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng, tác hại của TLĐT, TLNN đối với sức khỏe, kinh tế, môi trường, đạo đức xã hội, tâm sinh lý, trật tự an toàn xã hội đã được nhận diện và cảnh báo từ lâu, nhưng đến nay hành lang pháp lý chưa có. Việc buông bỏ quản lý khiến thiếu các giải pháp phòng ngừa, chống tác hại của TLĐT, TLNN. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành chức năng trong vấn đề này.

202405040852218670_dsc_8043-1.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và nhiều đại biểu đề nghị cần cấm sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, trong khi Bộ Y tế đề nghị cấm TLĐT, TLNN, thì Bộ Công Thương lại đề xuất thí điểm đưa thuốc lá mới vào quản lý như đối với thuốc lá thông thường. Đây là vấn đề cần được đánh giá, làm rõ.

Giải trình vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, hiện nay, trên thế giới các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã ra đời từ lâu. Số lượng người sử dụng, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang rất nhiều. Nhận thấy các chế tài, văn bản pháp lý hiện nay chưa rõ ràng, chưa đủ tính răn đe đối với các đối tượng sản xuất, mua bán hàng giả. Vì vậy, Bộ Công Thương đã thận trọng kiến nghị thí điểm với mục đích nâng cao hiệu quả quản lý trong vấn đề này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, Bộ Y tế đã có rất nhiều văn bản trình Chính phủ, gửi Bộ Công Thương thể hiện rõ quan điểm về nội dung này. Theo Bộ trưởng, quy định về quản lý TLĐT, TLNN phải rất cân nhắc. "Không thể quản lý rồi lại đưa ra thị trường” - bà Lan nêu quan điểm và khẳng định: "Quan điểm của Bộ Y tế vẫn đề xuất cấm".

Nhấn mạnh tác hại của TLĐT, TLNN là khôn lường, Bộ trưởng Đào Hồng Lan dẫn số liệu thống kê cho thấy mỗi năm có khoảng 40.000 người chết vì thuốc lá. "Với trào lưu mới, tập trung chính ở thế hệ trẻ, có nên mở ra cho thí điểm không? Mai sau mở ra rồi mà không dừng lại được, lúc đó ai chịu trách nhiệm trước sinh mạng của người dân Việt Nam?" - bà Lan nói.

Thực tế cho thấy, các quốc gia cho phép các sản phẩm TLĐT, TLNN nhưng ban hành các chính sách về cấm bán cho trẻ vị thành niên đã thất bại trong việc ngăn chặn việc sử dụng của giới trẻ. Tại Hoa Kỳ, giai đoạn 2017-2019 tỷ lệ sử dụng TLĐT tăng vọt từ 11,7% lên 27,5% ở học sinh THPT, và từ 3,3% lên 10,5% ở học sinh THCS. Năm 2020, Chính phủ Hoa Kỳ đã kêu gọi hành động khẩn cấp “Nạn dịch TLĐT ở thanh thiếu niên”. Tại Vương quốc Anh, sử dụng TLĐT ở trẻ em gái 15 tuổi đã tăng từ 10% vào năm 2018 lên 21% vào năm 2021, trong khi ở New Zealand 27% thanh niên sử dụng TLĐT. Tại Philippines, tỷ lệ học sinh 13-15 tuổi từng sử dụng TLĐT đã tăng từ 11,7% năm 2015 lên 24,6% năm 2019.

Số liệu từ Bộ Y tế

Dưới góc độ một thầy thuốc, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP. Hà Nội) cũng cho rằng, TLĐT tràn lan trên thế giới và ở Việt Nam, rất có hại, hại toàn diện và rõ ràng. Vì vậy, ông ủng hộ quan điểm cấm, không thực hiện thí điểm đối với chất gây nghiện như vậy.

Nhiều đại biểu đề nghị, trước mắt, cần nhận dạng và định danh được hai loại sản phẩm TLĐT, TLNN có phải là thuốc lá hay không, cũng như làm rõ được trách nhiệm của các bên để có được kết luận cuối cùng là cấm hay không cấm. Nếu cấm thì dựa vào cơ sở nào và không cấm thì biện pháp quản lý như thế nào?

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, trong năm 2024, Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của TLĐT, TLNN để đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; chủ trì phối hợp nghiên cứu, đánh giá tác hại của TLĐT, TLNN để công bố thông tin chính thức về tác hại của các sản phẩm này.

Cùng chuyên mục
“Lỗ hổng” trong quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng