Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra sáng 23/10- Ảnh: quochoi.vn |
Trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội tại phiên làm việc sáng 23/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, việc triển khai thực hiện CTMTQG thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã cơ bản hoàn thành. Thông qua CTMTQG, nguồn lực xã hội từ các tổ chức, DN, cộng đồng dân cư đã được huy động vào việc thực hiện các mục tiêu của chương trình.
Đối với CTMTQG xây dựng nông thôn mới, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực huy động nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác đạt 96.093 tỷ đồng, vốn tín dụng đạt 512.450 tỷ đồng, vốn DN 39.480 tỷ đồng, cộng đồng người dân đóng góp 56.799 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư cho CTMTQG xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn NSNN thực sự đã đóng vai trò thu hút các nguồn vốn khác từ cộng đồng và chính người dân, phát huy vai trò chủ thế của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu, các xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã nghèo thuộc các huyện nghèo được ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện. Vấn đề huy động quá sức đóng góp của người dân từng bước được chấn chỉnh, phân bổ vốn trên cơ sở cân đối nguồn lực, nợ đọng xây dựng cơ bản đã giảm mạnh so với giai đoạn đầu.
Nhờ đó, kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình này khá tích cực cả về số lượng và chất lượng. Đến nay đã có 38,7% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến hết năm 2018 có 40% số xã đạt chuẩn và chỉ còn 80 xã đạt dưới 5 tiêu chí (giảm 238 xã so với cuối năm 2015).
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong 3 năm qua, ngân sách trung ương đã giao 52,1%, ngân sách địa phương giao 69,6% tổng vốn cả giai đoạn 2016- 2020 để thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững cùng với khoảng hơn 60,1 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên.
Ngoài vốn huy động của Chương trình, tính đến tháng 6/2018 đã huy động xã hội được khoảng 16.735 tỷ đồng. “Trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc huy động nguồn lực từ xã hội để thực hiện Chương trình đạt kết quả cao đã thể hiện sự quan tâm, đóng góp tích cực của cộng đồng xã hội”- cơ quan thẩm tra đánh giá.
Cũng theo báo cáo thẩm tra, số hộ nghèo đã giảm nhanh, giai đoạn 2015- 2017 tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59% vượt mục tiêu Nghị quyết Quốc hội đặt ra, là kết quả ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương.
Cần làm rõ nguồn vốn phân bổ cho từng mục tiêu
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cũng chỉ rõ một số bất cập, tồn tại trong việc thực hiện các CTMTQG. Cụ thể, đối với CTMTQG xây dựng nông thôn mới, các quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức và đối tượng phân bổ chậm được ban hành dẫn tới sự lúng túng, chậm trễ trong phân bổ; thủ tục còn rườm rà, bố trí vốn chưa tập trung, còn dàn trải, nợ đọng.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2016-2018, ngân sách trung ương mới bố trí được 38,12%, ngân sách địa phương bố trí được 71% nhưng chủ yếu là các tỉnh nhận trợ cấp cân đối từ ngân sách trung ương. Chính phủ chưa báo cáo về tiến độ giải ngân, nhu cầu thực tế để thực hiện các danh mục của Chương trình và khả năng huy động nguồn lực để thực hiện cho các năm tiếp theo. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá hiệu quả triển khai thực hiện cơ chế, chính sách liên kết 4 nhà: nhà nước, DN, nhà khoa học và nhà nông trong xây dựng nông thôn mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách cũng chỉ rõ thực tế: Đến tháng 8/2018, vẫn còn một số địa phương nợ đọng xây dựng cơ bản tương đối cao; nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới cần nỗ lực hơn nữa mới có thể hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2016-2020.
Đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững, bên cạnh những tồn tại như giao vốn chậm, bố trí vốn chưa đúng kế hoạch, cân đối vốn khó khăn… cơ quan thẩm tra đặc biệt lưu ý Chính phủ về tính bền vững của Chương trình. Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo ước đến cuối năm 2018 chỉ còn dưới 6% (giảm khoảng 1- 1,3% so với đầu năm). Đây là tín hiệu đáng mừng song cần chú trọng đến tính bền vững của Chương trình khi số hộ tái nghèo bằng khoảng 5% số hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo phát sinh cao (22,98% so với tổng số hộ thoát nghèo), tình trạng tái nghèo đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương…
Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, Chính phủ cần làm rõ những mục tiêu nào đạt được, những mục tiêu nào còn dở dang, những mục tiêu nào còn nhiều khó khăn thách thức để hoàn thành. Cùng với đó, cần làm rõ nguồn vốn phân bổ cho từng mục tiêu; đánh giá tính hợp lý của các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, tiến độ hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ; tính ổn định, bền vững của các chương trình; những vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn lực thực hiện…
Đặc biệt, Ủy ban Tài chính- Ngân sách kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu; tính toán khả năng nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để ưu tiên nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 100 trong 2 năm cuối; thực hiện đúng nguyên tắc không ban hành văn bản chính sách khi không có nguồn lực bảo đảm. Đồng thời, tăng cường theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện 2 CTMTQG, đảm bảo kết quả đạt được là thực chất, tránh phô trương, hình thức.
Đ. KHOA