Mô hình tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Còn nhiều băn khoăn khi sửa Luật

(BKTO) - Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua. Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến trái chiều chính là vấn đề mô hình tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).



Hai luồng quan điểmtrái chiều

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, việc xác lập UBCKNN là cơ quan độc lập thuộc Chính phủ là cần thiết, bởi đó là yêu cầu khách quan trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới khi quy mô thị trường đã mở rộng hơn rất nhiều. UBCKNN độc lập sẽ bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO). Việc tiệm cận với thông lệ quốc tế sẽ giúp tăng sự minh bạch, góp phần nâng hạng thị trường, tạo niềm tin và thu hút nhiều hơn nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này cũng phù hợp với các kiến nghị của Chương trình Đánh giá khu vực tài chính (FSAP) do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ Chính phủ Việt Nam.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, sau hơn 10 năm triển khai Luật Chứng khoán, số công ty niêm yết và số vốn huy động đều tăng. Điều đó cho thấy thị trường chứng khoán đã ổn định, quy mô thị trường đã đủ lớn để “ra riêng”. Trong tương lai, khi hệ thống pháp luật và chứng khoán hoàn chỉnh thì quy mô vốn còn lớn hơn nữa. Do đó, đã đến lúc tách chức năng quản lý nhà nước về tài chính ra khỏi các tổ chức dịch vụ, tổ chức trung gian tài chính để đạt mục tiêu sứ mệnh của thị trường chứng khoán là kênh quyết định huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đồng thuận, UBCKNN cần độc lập, trực thuộc Chính phủ để khắc phục những bất cập hiện nay, giảm bớt khâu trung gian, đề cao trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý, phù hợp với quy định của Chính phủ cũng như kinh nghiệm và thông lệ quốc tế.

Trái ngược với quan điểm trên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, nên giữ UBCKNN như quy định hiện hành nhằm bảo đảm tính chủ động, tự chịu trách nhiệm, tuân thủ các nghị quyết của Đảng. Nếu tách UBCKNN thành một cơ quan độc lập, điều đó đồng nghĩa với việc tăng thêm đầu mối, biên chế, tăng chi ngân sách cho bộ máy.

Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) nêu quan điểm, UBCKNN cần giữ như nguyên trạng hiện nay bởi chúng ta không thể phủ nhận vai trò của Bộ Tài chính đối với thị trường chứng khoán suốt hơn 15 năm qua. Theo ông Chiểu, UBCKNN ở đâu thì phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Ủy ban này đối với việc quản lý kinh tế, xã hội của đất nước từng thời kỳ, không thể cho rằng thị trường chứng khoán quy mô nhỏ thì giao Bộ Tài chính, thị trường lớn thì giao Chính phủ. Vấn đề ở đây không phải là phát sinh thêm đầu mối mà là chức năng quản lý của UBCKNN với thị trường tài chính hiện đại. Thực tiễn, quy mô và mô hình như hiện nay không có vướng mắc gì cần phải thay đổi. Nếu thay đổi, cần phải đánh giá tác động một cách toàn diện, thận trọng, đảm bảo khoa học và thực tiễn.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cũng cho rằng, việc UBCKNN thuộc Chính phủ cần hết sức cân nhắc vì gây xáo trộn, mất thời gian sắp xếp lại tổ chức nhân sự và có thể gây tác động đến thị trường chứng khoán, trong khi thị trường đang phát triển bình thường và đạt kết quả tích cực. Để có thể thay đổi mô hình, cần phải làm rõ UBCKNN thuộc Chính phủ sẽ tăng tính độc lập như thế nào, tại sao lại phải thay mô hình trong khi có thể tăng tính độc lập cho UBCKNN bằng cách trao đủ thẩm quyền và quy định để Cơ quan này độc lập về chuyên môn khi thực hiện nhiệm vụ - ông Hàm kiến nghị.

Mô hình nào cho Việt Nam?

Trên thế giới, hiện có nhiều mô hình UBCKNN khác nhau, chẳng hạn, tại Malaysia, Bangladesh, Bồ Đào Nha, UBCKNN thuộc cơ quan của Chính phủ là Bộ Tài chính. Còn tại Singapore, Anh, Nga, UBCKNN lại thuộc Ngân hàng T.Ư. Nhưng cũng có nước như Mỹ, Trung Quốc, UBCKNN lại theo mô hình cơ quan độc lập.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đa số các nước quy định UBCKNN có vị trí độc lập (121/128 quốc gia thành viên của IOSCO). Những nước còn lại có mô hình UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính cũng đều bảo đảm nguyên tắc độc lập và có đủ thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thị trường vốn. Bởi vậy, không có mô hình UBCKNN bắt buộc hay phương thức cố định áp dụng cho tất cả các quốc gia mà chỉ có thể xem xét, lựa chọn và vận dụng một cách phù hợp với thực tiễn của từng đất nước. Mô hình tổ chức của UBCKNN sẽ phụ thuộc vào bối cảnh, quy mô của từng nền kinh tế.

Theo đó, nhiều ý kiến đồng thuận rằng, để hoạt động hiệu quả, UBCKNN phải độc lập trong thực thi các chức năng và quyền hạn, có trách nhiệm rõ ràng, có đủ thẩm quyền, năng lực và nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ. Như vậy, UBCKNN trực thuộc Chính phủ hay Bộ Tài chính không phải là vấn đề cốt lõi, điều quan trọng là cần đảm bảo tính độc lập và quy định rõ trách nhiệm, trao đủ thẩm quyền, nguồn lực để cơ quan này có đủ năng lực quản lý, giám sát hoạt động của thị trường chứng khoán. Việc tăng thẩm quyền, tính độc lập tự chủ cho UBCKNN sẽ giúp cơ quan này phản ứng nhanh nhạy với những diễn biến phức tạp của thị trường trong bối cảnh bất ổn chiến tranh thương mại ngày càng leo thang và khó kiểm soát.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật, trên cơ sở đó trình Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian tới.

XUÂN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 25 ra ngày 20-6-2019
Cùng chuyên mục
Mô hình tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Còn nhiều băn khoăn khi sửa Luật