MOBI 2020: Mức độ công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương chưa có cải thiện

(BKTO) - Kết quả khảo sát Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) năm 2020 cho thấy mức độ công khai thông tin ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương chưa có sự cải thiện so với năm 2019.



                
   

Quang cảnh buổi công bố trực tuyến Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương năm 2020

   

Ngày 16/6, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tổ chức buổi công bố MOBI 2020 theo hình thức trực tuyến.

Còn nhiều Bộ, ngành chưa thực hiện công khai ngân sách

MOBI 2020 đánh giá mức độ công khai ngân sách của 44 Bộ, cơ quan Trung ương (gồm 38 Bộ, cơ quan Trung ương là đơn vị dự toán và 6 cơ quan, tổ chức Trung ương được NSNN hỗ trợ)thông qua 5 tiêu chí chính là tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ, tính thuận tiện và tính liên tục của 6 loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai theo Luật NSNN 2015 và hướng dẫn tại Thông tư 61/2017/TT-BTC và Thông tư 90/2018/TT-BTC.

Kết quả cho thấy, mức độ công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương chưa có cải thiện so với năm 2019. Điểm số trung bình MOBI 2020 là 21,64 điểm, tương đương với điểm số MOBI 2019. Bộ Tài chính có thứ hạng cao nhất với 66,63 điểm, xếp hạng công khai ở mức “Tương đối đầy đủ”. Xếp thứ hai là Bộ Tư pháp với 48,41 điểm.

Có 34 trên tổng số 44 (77,27%) Bộ, cơ quan Trung ương có điểm MOBI 2020, tăng 3 đơn vị so với khảo sát MOBI 2019. Trong đó, có 27 Bộ, cơ quan Trung ương có công khai ít nhất 1 trong số 6 tài liệu quy định phải công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị.

Có 10 Bộ, cơ quan Trung ương không có điểm xếp hạng MOBI 2020 (đồng nghĩa với việc các cơ quan này không có thư mục công khai ngân sách và không công khai các tài liệu ngân sách trên cổng thông tin điện tử của đơn vị tại thời điểm khảo sát).

Khuyến nghị nhiều giải pháp tăng cường mức độ công khai

Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu khuyến nghị,các Bộ, cơ quan Trung ương, cần thực hiện đúng quy định của pháp luật về công khai tài liệu ngân sách. Cụ thể, các đơn vị cần đảm bảo mức độ sẵn có, kịp thời, thuận tiện, đầy đủ của các tài liệu ngân sách bằng các biện pháp như: các tài liệu ngân sách cần công khai kịp thời, đầy đủ nội dung trong chuyên mục công khai ngân sách trên cổng thông tin điện tử; các tài liệu ngân sách có số liệu sử dụng định dạng thân thiện với người sử dụng (như word, excel…) và cần được công khai kèm theo quyết định công bố công khai thông tin của cơ quan có thẩm quyền…

Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể hơn về thời hạn công khai một số loại tài liệu ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương như Dự toán NSNN, Quyết toán NSNN và Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách năm theo quy định của Luật NSNN năm 2015.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát và điều chỉnh lại hướng dẫn về các thông tin và định dạng tài liệu cần công khai tại Thông tư 90/2018/TT-BTC. Ngoài ra, Bộ cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành hướng dẫn thực hiện công khai ngân sách cho các chương trình dự án đầu tư xây dựng cơ bản như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Thông tư 61/2017/TT-BTC để các Bộ, cơ quan Trung ương công khai kịp thời các thông tin này.

Nhóm nghiên cứu khuyến nghị Quốc hội có thể cân nhắc bổ sung nội dung giám sát tình hình thực hiện công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương vào chương trình hoạt động giám sát hàng năm của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, bao gồm cả giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề.

Bên cạnh đó, Quốc hội có thể xem xét hoạt động công khai NSNN của các Bộ, cơ quan Trung ương như một trong những tiêu chí đánh giá hoạt động của các đơn vị. Mức độ công khai ngân sách của các đơn vị là một trong những tiêu chí để phân bổ ngân sách. Đồng thời, cần tăng cường vai trò giám sát của các đại biểu Quốc hội trong các vụ việc, sự kiện, để qua đó thúc đẩy nâng cao mức độ công khai, minh bạch ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương.

Đối với Kiểm toán Nhà nước, nhóm nghiên cứu khuyến nghị đưa nội dung công khai minh bạch về tài liệu ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương vào nội dung kiểm toán tuân thủ.

Đồng tình với những khuyến nghị của nhóm nghiên cứu đưa ra, TS. Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, việc tăng cường vai trò của Kiểm toán Nhà nước và vai trò giám sát của Quốc hội là biện pháp đúng hướng.

Nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị Chính phủ cần thúc đẩy các Bộ, cơ quan Trung ương thực hiện công khai ngân sách theo quy định của pháp luật và ban hành chế tài xử lý các đơn vị không thực hiện công khai NSNN. Chính phủ cũng cần áp dụng biện pháp đánh giá tình hình thi hành pháp luật về công khai ngân sách và báo cáo với Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước theo quy định pháp luật.

Đặc biệt, cần tăng cường vai trò thẩm tra báo cáo dự toán, quyết toán của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, trong đó phải tăng số phiên giải trình, chất vấn làm rõ nguyên nhân, lý do của tình trạng không công khai hoặc chậm trễ trong công khai ngân sách./.

Bài và ảnh: DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
MOBI 2020: Mức độ công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương chưa có cải thiện