Mốc son mới trong mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Trung Quốc

(BKTO) - Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp "Năm giao lưu nhân văn", kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (1950-2025) đã mở ra triển vọng mới, đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác hai bên lên một tầm cao mới, thực chất hơn, hiệu quả hơn, vì lợi ích của nhân dân hai nước cũng như hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

0.jpg
Lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. TTXVN

Tăng cường phát triển các lĩnh vực quan trọng

Quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian qua có nhiều bước phát triển vượt bậc, trao đổi đoàn cấp cao, trao đổi đoàn các cấp, các địa phương giữa hai nước rất nhộn nhịp và sôi động. Đặc biệt là tiếp xúc và trao đổi cấp cao giữa hai nước diễn ra thường xuyên. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm sau khi đảm nhận vai trò Tổng Bí thư đã chọn Trung Quốc là nước đầu tiên tới thăm (tháng 8/2024); Thủ tướng Phạm Minh Chính năm 2024 đã 2 lần sang thăm, làm việc, dự hội thảo, hội nghị ở Trung Quốc. Bên cạnh đó là đoàn các cấp, các bộ, ngành, địa phương diễn ra rất sôi động.

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong tổng thể đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã tiến hành chuyến thăm Việt Nam lần thứ 4 (không kể chuyến thăm năm 2011 khi giữ vai trò Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc).

1(1).jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các đại biểu chứng kiến Lễ khởi động Cơ chế hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc. TTXVN

Kết quả chuyến thăm có ý nghĩa chiến lược, tác động lâu dài đến sự phát triển của quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đều đang bước vào kỷ nguyên mới, thời đại phát triển mới. Một trong những kết quả nổi bật của chuyến thăm là hai bên nhất trí tăng cường phát triển các lĩnh vực quan trọng. Theo đó, đẩy nhanh kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện Kế hoạch hợp tác kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, trong đó ưu tiên đẩy nhanh kết nối hạ tầng giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, hạ tầng cửa khẩu.

Trung Quốc kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, luôn coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng, luôn ủng hộ Việt Nam phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Hai bên đã khởi động cơ chế hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc và thành lập Ủy ban liên hợp hợp tác đường sắt Việt - Trung. Đây là bước phát triển mới và dấu mốc quan trọng về hợp tác đường sắt, thể hiện sự quan tâm và quyết tâm của Lãnh đạo hai Đảng, hai nước đối với việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hai bên hợp tác xây dựng mới tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dài gần 391km, khổ 1,435m, vận chuyển chung hành khách, hàng hóa có tốc độ thiết kế 160km/h với tuyến chính từ ga Lào Cai đến ga Nam Hải Phòng; tốc độ thiết kế 120km/h với đoạn qua khu vực đầu mối TP. Hà Nội; tốc độ 80km/h với các đoạn tuyến còn lại. Chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này đã được Quốc hội nước ta thông qua tháng 2 vừa qua với tổng vốn 203.231 tỷ đồng, tương đương 8,37 tỷ USD, phấn đấu hoàn thành chậm nhất năm 2030.

3.jpg
Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Hai bên cũng tăng cường kết nối chiến lược giữa hai nền kinh tế, kết nối các chiến lược phát triển vùng giữa hai nước như: Khu vực Vịnh lớn Quảng Đông - Hồng Kông - Ma Cao, Khu vực Đồng bằng sông Trường Giang, mở rộng tuyến Hành lang kinh tế trong khu vực “Hai hành lang, Một vành đai” kéo dài đến Trùng Khánh. Hai bên khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín và công nghệ tiên tiến sang đầu tư tại nước kia, tạo môi trường kinh doanh công bằng, thuận lợi cho các doanh nghiệp. Hai bên ủng hộ doanh nghiệp hai nước hợp tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ 5G; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch, phát triển xanh, kinh tế số…

Hợp tác thương mại mạnh mẽ, toàn diện

Những kết quả đạt được trong chuyến thăm rất thành công của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc, trong đó có lĩnh vực kinh tế - thương mại. Hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vốn đã phát triển tích cực, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp hai nước vì thế sẽ được tăng cường hơn nữa trong tương lai.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, thời gian qua, kinh tế, thương mại, đầu tư đều có bước phát triển nổi bật. Về thương mại, Việt Nam vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc trên thế giới. Từ năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 205 tỷ USD, tăng hơn 19% so với năm 2023. Trong 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 51,25 tỷ USD, tăng 17,46%. Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu nông dân của Việt Nam.

2(1).jpeg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, luôn coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng. Ảnh: ST

Về đầu tư, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế có đầu tư FDI và tại 55/63 tỉnh thành Việt Nam. Tính đến cuối năm 2024, Trung Quốc có 5111 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 30,83 tỷ USD. Trong quý 1/2025, Trung Quốc đứng thứ hai (chỉ sau Singapore) về tổng số vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam với 1,23 tỷ USD. Đáng chú ý, trong năm 2024, 3,74 triệu lượt khách Trung Quốc đã tới Việt Nam. Thống kê này tăng 114% so với năm 2023 và chiếm 21,26% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Trong quý I/2025, Việt Nam đã đón 1,58 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc tăng 178% so với cùng kỳ và đứng đầu trong số các thị trường khách du lịch tới Việt Nam. Hợp tác trong các lĩnh vực khác như: Văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các địa phương đạt nhiều thành quả thiết thực, đáng khích lệ.

4.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: TTXVN

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trước bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường như hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc cần tăng cường tình đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau, tăng cường sự hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đã có nhiều chính sách để hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Khát vọng Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi phấn đấu thực hiện mục tiêu 100 năm, xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Trung Quốc cũng đang nỗ lực hoàn thành quy hoạch 5 năm lần thứ XIV, thực hiện nghị quyết Đại hội XX thành công và phấn đấu đạt mục tiêu 100 năm lần thứ hai đến năm 2049. Mục tiêu của cả hai nước rất rõ ràng và có nhiều điểm chung. Với tinh thần đó, hai bên cần phối hợp thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện ngày càng thực chất, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước./.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã ký kết 45 văn kiện hợp tác quan trọng, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như: Đường bộ, đường sắt, kiểm nghiệm, kiểm dịch hải quan, thương mại nông sản, quốc phòng, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, giáo dục, nguồn nhân lực, truyền thông và hợp tác địa phương...

Cùng chuyên mục
Mốc son mới trong mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Trung Quốc