Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp FDI

(BKTO) - Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (PCI-FDI) năm 2018 từ phản hồi của 1.577 DN FDI đang hoạt động tại 20 tỉnh, thành phố có số DN FDI nhiều nhất tại Việt Nam cho thấy, các DN đã phản hồi tích cực hơn về triển vọng kinh doanh cũng như tình hình thực thi pháp luật đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.



Kinh doanh khả quan nhưng quy mô vốn và lao động giảm

Hiệu quả hoạt động của các DN FDI năm 2018 tiếp tục những xu hướng tích cực trong những năm gần đây, dù có dấu hiệu chững lại so với năm 2017. Tỷ lệ các DN FDI tăng vốn đầu tư là 11,8%, giảm từ 13,2% của năm 2017. Có 58,2% số DN cho biết tăng quy mô lao động, thấp hơn con số 62,4% trong năm 2017. Những số liệu này nhất quán với kế hoạch đầu tư mà các DN FDI dự định trong thời gian tới. Cụ thể, 56% DN FDI cho biết có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đây vẫn là mức khá lạc quan dù có giảm nhẹ so với mức 60% của năm 2017.

Đồng thời, trên 53% số DN FDI báo lãi trong năm 2018, trong khi số DN báo lỗ là 36,7%, gần bằng con số năm 2017. Doanh thu và chi phí trung vị đều tăng trong năm 2018, lần lượt ở mức 2,57 triệu USD và 2,2 triệu USD. Những con số này cho thấy sự tăng đột biến trong hoạt động của DN FDI năm 2017 không phải chỉ là một hiện tượng nhất thời mà là một xu hướng mới.

Báo cáo PCI 2017 chỉ ra các DN FDI có xu hướng nhỏ đi cả về vốn chủ sở hữu và quy mô lao động. Nhận định này tiếp tục được khẳng định trong dữ liệu điều tra PCI năm 2018 với tỷ lệ DN FDI quy mô nhỏ hơn tăng rõ rệt. 9,4% DN cho biết có chưa đến 5 lao động; 11% có quy mô từ 5 - 9 lao động và 32% có quy mô dưới 50 lao động, trong khi tỷ lệ tương ứng năm 2017 là 7,4%; 10,9% và 31%. Số DN sử dụng 1.000 lao động trở lên giảm từ 6,4% trong năm 2017 xuống còn 4% năm 2018. Chỉ 5,4% DN có quy mô thuộc nhóm sử dụng từ 500 - 999 lao động so với mức 5,8% năm 2017.

Sự thu hẹp quy mô lao động của các DN FDI song hành với sự sụt giảm tương ứng về quy mô vốn. Năm 2018 có sự gia tăng tỷ lệ DN nằm trong các nhóm quy mô nhỏ - dưới 0,5 tỷ đồng; từ 0,5 đến dưới 1 tỷ đồng và từ 1 đến dưới 5 tỷ đồng với tỷ lệ lần lượt là 10,8%; 6,6% và 20,3% DN (năm 2017 lần lượt là 7,9%; 5,7% và 16,7%). Tỷ lệ các DN thuộc 4 nhóm lớn nhất đều giảm. Đáng chú ý, 5,9% số DN được hỏi cho biết vốn chủ sở hữu trên 500 tỷ đồng trong năm 2017 nhưng năm nay, nhóm DN này chỉ còn chiếm 3,9%.

Thống kê chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phù hợp với kết quả điều tra này. Một số chuyên gia còn cảnh báo rằng, nhiều DN FDI nhỏ vào Việt Nam chỉ để làm vệ tinh cho các dự án FDI lớn hơn. Những DN FDI đó có thể sẽ lấn át các nhà cung cấp trong nước, cản trở khu vực tư nhân nội địa hòa nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là một trong những khó khăn mà DN trong nước đang gặp phải.

Chi phí không chính thức tuy giảm nhưng vẫn tồn tại

Báo cáo PCI năm 2017 đã ghi nhận một số thành quả ban đầu của những thay đổi chính sách, biện pháp để giảm bớt gánh nặng thực thi quy định đối với các DN FDI. Những chuyển biến đáng kể và tích cực hơn càng được thể hiện rõ nét trong năm 2018. Tỷ lệ DN phải dành hơn 5% quỹ thời gian của lãnh đạo cho việc tìm hiểu và thực hiện các thủ tục hành chính giảm từ khoảng 70% trong những năm 2012-2016 xuống còn 66,2% năm 2017 và 42,6% vào năm 2018. Đây là một kết quả rất ấn tượng. Cùng với đó, tình trạng nhũng nhiễu DN đã giảm đáng kể. Tỷ lệ DN cho biết bị thanh tra quá mức, những DN phải tiếp từ 8 đoàn thanh, kiểm tra trở lên mỗi năm đã giảm từ 4,6% năm 2016 xuống còn 3,4% năm 2017 và chỉ còn ở mức 1,4% năm 2018. Tuy nhiên, các DN FDI cho biết vẫn gặp khó khăn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đơn cử, việc thông quan hàng nhập khẩu trung bình vẫn mất 2 ngày trong khi thời gian thông quan hàng xuất khẩu tăng từ 1 ngày lên 2 ngày trong năm 2018. Thủ tục hải quan vẫn là mối bận tâm lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Số DN đánh giá lĩnh vực hải quan gây phiền hà nhất chiếm tỷ trọng cao nhất (28%), tiếp đến là bảo hiểm xã hội, đăng ký đầu tư và thuế, đều cao trên 25%.

Những năm qua, lãnh đạo Chính phủ đã rất tích cực chỉ đạo việc chống tiêu cực và cắt giảm các chi phí không chính thức trong các giao dịch kinh doanh thông qua các biện pháp chính sách. Thực tế cho thấy, tình trạng DN FDI phải trả chi phí không chính thức có xu hướng giảm đáng kể là điều đã được chỉ ra trong báo cáo PCI năm 2017 và xu hướng này tiếp tục rõ nét hơn trong năm 2018. Trong khi năm 2016 có 45,8% DN FDI cho biết đã từng chi trả chi phí không chính thức cho các cán bộ thanh, kiểm tra thì con số này đã giảm xuống còn 44,9% năm 2017 và tiếp tục giảm còn 39,9% năm 2018. Tỷ lệ DN thừa nhận đã chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục xuất nhập khẩu đã giảm từ 56,4% năm 2016 xuống còn 53% năm 2017 và tiếp tục giảm còn 44,4% năm 2018. Trong lĩnh vực thủ tục đất đai, sự cải thiện còn mạnh mẽ hơn, số DN cho biết phải chi trả chi phí không chính thức đã giảm từ 22,6% năm 2016 xuống chỉ còn 6,8% năm 2018.
         
Tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ DN FDI cho biết không phải trả bất kỳ khoản phí không chính thức nào ngày càng tăng. Tỷ lệ này năm 2015 là 16,4%, tăng lên 25,9% năm 2016; 31,3% năm 2017 và 37,5% năm 2018. Đối với những DN phải chi trả chi phí, thì gánh nặng đã giảm bớt. Năm 2017 có 2,6% DN cho biết đã trả hơn 10% thu nhập hằng năm cho các chi phí không chính thức; con số này đã giảm xuống còn 1,5% năm 2018. Tương tự, tỷ lệ DN dành từ 5 - 10% thu nhập cho chi phí này năm 2018 là 1,8%, giảm từ 3,8% trong năm 2017.

H.THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 15 ra ngày 11-4-2019
Cùng chuyên mục
Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp FDI