Moody's hạ triển vọng nợ công của Mỹ

(BKTO) - Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's ngày 10/11 đã hạ triển vọng nợ công của Mỹ từ mức "ổn định" xuống mức "tiêu cực," dù vẫn giữ xếp hạng của nước ở mức cao nhất là AAA.

Thâm hụt ngân sách 1.700 tỷ USD

moodys-cnn.jpg
Trong ba tổ chức xếp hạng, Moody's là cơ quan duy nhất còn duy trì xếp hạng nợ công của Mỹ ở mức AAA - Nguồn: CNN

Moody's đã đưa ra quyết định trên khi dự báo thâm hụt ngân sách của Mỹ vẫn sẽ rất lớn, làm giảm đáng kể khả năng chi trả nợ khi Mỹ chưa có các biện pháp chính sách tài khóa hiệu quả để giảm chi tiêu hoặc tăng nguồn thu của chính phủ trong bối cảnh lãi suất ở mức cao.

Bộ Tài chính Mỹ ngay lập tức đã lên tiếng phản đối quyết định của Moody's.

Trong một tuyên bố, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo khẳng định nền kinh tế vẫn vững mạnh và chứng khoán vẫn là tài sản đầu tư an toàn, ưu việt về thanh khoản.

Ông Adeyemo đề cập đến việc Chính phủ Mỹ đã thực hiện cam kết nhằm đảm bảo sự bền vững tài chính, trong đó bao gồm việc giảm thâm hụt hơn 1.000 tỷ USD trong thỏa thuận nâng mức trần nợ công hồi tháng Sáu cũng như các đề xuất ngân sách nhằm giảm thâm hụt gần 2.500 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Thâm hụt ngân sách của Mỹ trong tài khóa 2023 kết thúc vào ngày 30/9 vừa qua đã tăng lên 1.700 tỷ USD.

Do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, chi phí đi vay của Mỹ đã tăng vọt, khiến Mỹ gánh thêm 162 tỷ USD tiền lãi trong tài khóa 2023 so với tài khóa 2022.

Trong ba tổ chức xếp hạng, đánh giá tín nhiệm nợ, Moody's là cơ quan duy nhất còn duy trì xếp hạng nợ công của Mỹ ở mức cao nhất.

Hồi tháng 8/2023, Fitch hạ xếp hạng của nước này từ -AAA xuống AA+ còn Standard & Poor's đã đánh giá ở mức AA+ từ năm 2011.

Chưa đạt thống nhất cho biện pháp chi tiêu tạm thời

ha-vien-my.jpg
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson - Nguồn: AFP

Một ngày sau khi Moody's hạ triển vọng tín dụng của Mỹ, ngày 11/11, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã công bố biện pháp chi tiêu tạm thời của Đảng Cộng hòa nhằm ngăn chặn việc Chính phủ đóng cửa, nhưng đã nhanh chóng vấp phải sự phản đối của các nhà lập pháp từ cả hai đảng trong Quốc hội.

Phát biểu sau khi công bố kế hoạch với các nghị sỹ Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, ông Johnson nhấn mạnh: “Nghị quyết duy trì gồm hai bước này là dự luật cần thiết để đặt các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện vào vị trí tốt nhất để giành lấy những chiến thắng cho phe bảo thủ.”

Hạ viện và Thượng viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo phải nhất trí một biện pháp chi tiêu mà Tổng thống Joe Biden có thể ký thành luật trước ngày 17/11, nếu không muốn Chính phủ đóng cửa một phần, dẫn đến đóng cửa các công viên quốc gia, làm gián đoạn việc trả lương cho khoảng 4 triệu công nhân liên bang và làm gián đoạn nhiều hoạt động từ giám sát tài chính đến nghiên cứu khoa học.

Khác với các nghị quyết tiếp nối thông thường, vốn tài trợ cho các cơ quan liên bang trong một khoảng thời gian cụ thể, biện pháp do ông Johnson công bố sẽ tài trợ cho một số cơ quan của Chính phủ đến ngày 19/1 và những bộ phận khác đến ngày 2/2/2024. Phe Cộng hòa tại Hạ viện hy vọng sẽ thông qua biện pháp này vào ngày 14/11 tới.

Cùng chuyên mục
Moody's hạ triển vọng nợ công của Mỹ