(BKTO)- Lược ghi ý kiến của đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị,Phó Thủ tướng Chính phủ - tại buổi làm việc với KTNN, ngày 17/01/2017.



...Sự ra đời và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của KTNN xuất phát từ trách nhiệm báo cáo giải trình của Chính phủ về sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Vì vậy, có thể nói hoạt động của KTNN với hoạt động của Chính phủ gắn bó rất mật thiết và chặt chẽ với nhau.

Trong năm 2016 và đầu năm 2017, Chính phủ tập trung nhiều vào vấn đề xây dựng thể chế và pháp lý cho thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2016- 2020 và triển khai các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế theo chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội. Gần đây Chính phủ và cá nhân tôi nhận được nhiều Báo cáo kiểm toán định kỳ cũng như theo yêu cầu rất kịp thời, liên quan đến nhiều vấn đề mà Chính phủ đang quan tâm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.Ảnh: PV


Có thể nói, kết quả công tác năm 2016 của KTNN rất toàn diện, từ phạm vi kiểm toán cho đến kết quả xử lý về tài chính với con số kỷ lục đến hơn 35.900 tỷ đồng, tăng khoảng 1,8 lần so với năm 2015. Cùng với đó, KTNN đã góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật. Với việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế 110 văn bản, KTNN đã phát hiện được những sơ hở, giúp bịt lỗ hổng pháp luật. Việc thực hiện kết luận, kiến nghị về tài chính cũng tốt hơn trước, đạt 74,1%, điều đó chứng tỏ kết luận kiểm toán đã được “tâm phục, khẩu phục”, ý thức chấp hành pháp luật và thực hiện kiến nghị kiểm toán của các đơn vị được kiểm toán đã tăng lên. KTNN cũng đã cởi mở hơn, ngoài việc Báo cáo kết quả kiểm toán với Quốc hội, các phương tiện truyền thông đã quan tâm nhiều hơn đến thông tin hoạt động KTNN. Có thể nói năm 2016 là một năm thành công với KTNN.

Tôi đánh giá cao và chúc mừng thành công của KTNN. Trong thời gian tới, KTNN cần lưu ý một số vấn đề: Một là, đề nghị KTNN tập trung nhiều đến công tác tiền kiểm, nhất là vấn đề dự toán NSNN. Bộ Chính trị vừa ra Nghị quyết về cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, trong đó nội dung căn bản là đổi mới cách thức làm dự toán NSNN, tránh tình trạng trung ương thì hụt thu còn địa phương thì tăng thu. Bây giờ chúng ta dần đổi mới theo hướng lập dự toán ngân sách phải dựa trên cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của ngành tài chính nhưng cũng rất mong KTNN hỗ trợ giúp vấn đề này. Đối với các dự án đầu tư, tình trạng của chúng ta hiện nay là khi lập dự án thì rất hoành tráng, đầu vào chỉ tiêu nào cũng rất thấp, rất thuyết phục nhưng đầu ra thì rất cao; làm dự án rất nhanh nhưng thực hiện đầu tư thì rất chậm. Đề nghị KTNN mở rộng kiểm toán và có những cảnh báo sớm cho các cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này.

KTNN cần thực hiện cả kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động. Đặc biệt, KTNN cần chú trọng đến vấn đề thượng tôn pháp luật, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán về thực hiện pháp luật như là thực hiện kiến nghị về tài chính; quan tâm đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị liên quan đến trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và nhất là người đứng đầu, nhằm giúp cho Chính phủ trong công tác điều hành. Bên cạnh đó, KTNN cần tăng cường kiểm toán hoạt động để kịp thời cung cấp dữ liệu cho các cơ quan Chính phủ và Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường sự phối hợp giữa KTNN với các cơ quan của địa phương.

Thứ hai là, về xây dựng pháp luật và khung khổ thể chế, tôi đề nghị KTNN tham gia sớm hơn và sâu hơn vào quá trình xây dựng pháp luật và thể chế chính sách. Trong thực thi pháp luật, hoạt động kiểm toán của KTNN cần chú ý đến việc tuân thủ pháp luật; trách nhiệm thực hiện kiến nghị, kết luận của KTNN… Đối với vấn đề kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, KTNN làm rất tốt, đề nghị KTNN sớm cung cấp thông tin cho các Bộ, ngành để đôn đốc thực hiện. Trong hoạt động kiểm toán, đề nghị KTNN quan tâm một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, đó là: Chính sách tài khóa, thu chi ngân sách, vấn đề nợ công, nợ đọng xây dựng cơ bản. Trong chính sách tài khóa thì cần quan tâm đến vấn đề thu để tránh những tiêu cực trong thu ngân sách. KTNN cũng cần quan tâm hơn đến chính sách tiền tệ gắn với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, đảm bảo an toàn hệ thống và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; phối hợp và phân định giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Một vấn đề trọng điểm nữa đó là đầu tư công và tái cơ cấu đầu tư, nhất là các dự án đầu tư của DNNN, các chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án BOT và PPP. Cùng với đó, đề nghị KTNN chú trọng vấn đề tái cơ cấu DNNN và cổ phần hóa DN; tái cơ cấu sự nghiệp công…

KTNN rất may mắn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Vừa qua KTNN đã bám sát Chiến lược, thực hiện tốt và rất thành công. Rất mong KTNN cố gắng trong giai đoạn 5 năm tới có những đột phá tích cực trong việc thực hiện Chiến lược này, phấn đấu để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của KTNN như một công cụ mạnh của Nhà nước về kiểm tra tài chính nhà nước và tài sản công; phấn đấu đưa KTNN thành cơ quan có uy tín và trách nhiệm; xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao.
NGUYỄN HỒNG (Ghi)
Cùng chuyên mục
Một năm thành công của KTNN