Mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển Việt Nam đáp ứng thông qua khoảng 1,4 tỷ tấn hàng hóa

(BKTO) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ đề xuất Chính phủ cơ chế đặc thù thu hút các tập đoàn, DN lớn trong nước và quốc tế “rót” vốn đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng cảng biển, giúp tạo ra đột phá về kinh tế - xã hội.



                
   

Hệ thống cảng tại khu vực Đình Vũ, Hải Phòng - Ảnh: TTXVN

   

Đó là khẳng định của lãnh đạo Bộ GTVT tại Hội nghị công bố quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Bộ này tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Theo Bộ GTVT, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong hai quy hoạch chuyên ngành quốc gia (cùng với quy hoạch mạng lưới đường bộ) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm nhất. Trong quá trình lập quy hoạch, Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến các Bộ ngành, địa phương cùng chuyên gia, nhà khoa học để đảm bảo đồng bộ giữa quy hoạch cảng biển với các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan.

Theo đó, Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển Việt Nam đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ hơn 1,1 tỷ tấn đến hơn 1,4 tỷ tấn. Trong đó, hàng container từ 38 - 47 triệu TEU; hành khách từ 10,1 - 10,3 triệu lượt khách. Giai đoạn đến năm 2050, phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại ngang tầm với khu vực và thế giới với năng lực đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4 - 4,5%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,2 - 1,3%/năm.

“Nguồn lực cho phát triển cảng biển thời kỳ này chủ yếu được huy động từ nguồn ngoài ngân sách chiếm đến 95% trong tổng số 313.000 tỷ đồng nhu cầu vốn đầu tư cảng biển; vốn ngân sách sẽ tập trung cho hạ tầng công cộng, khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư” - Bộ GTVT cho biết.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, trong cả năm 2020, Bộ GTVT đã tập trung xây dựng 5 quy hoạch tổng thể ngành GTVT theo Luật Quy hoạch mới. Liên quan đến Quy hoạch cảng biển, Bộ trưởng nhận định việc thực hiện quy hoạch sẽ được tập trung vào 6 cụm cảng chính, gồm: gồm: Hải Phòng, Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Trần Đề (Sóc Trăng).

Để quy hoạch cảng biển được thực hiện hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các Bộ, ngành ủng hộ ngành GTVT bằng cơ chế, chính sách để tiếp tục hoàn thành quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển, phát triển đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không để liên kết cảng biển tốt hơn. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ đề xuất cơ chế đặc thù, tạo “sân chơi” nhằm mời gọi các nhà đầu tư “rót” vốn xây dựng các cảng biển, giúp tạo ra đột phá về phát triển kinh tế - xã hội.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển Việt Nam đáp ứng thông qua khoảng 1,4 tỷ tấn hàng hóa