Đây là nhận định do Appota Group – công ty về công nghệ giải trí số đưa ra trong Báo cáo “Ứng dụng di dộng 2021” của đơn vị vừa mới phát hành.
Dự báothị trường TMĐT trên di động của Việt Nam đạt 7 tỷ USD trong năm 2021 (Ảnh minh họa) - Nguồn: congthuong.vn |
Theo báo cáo của Appota, năm 2020, thị trường TMĐT Việt Nam có mức tăng trưởng 18%, với quy mô đạt 11,8 tỷ USD. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm qua c, do tác động từ đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, TMĐT trên nền tảng di động đang cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ khi chiếm gần một nửa toàn bộ doanh thu TMĐT B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng) tại Việt Nam.
Xét theo tỷ lệ giao dịch, TMĐT trên nền tảng di động cũng cho thấy sự vượt trội mạnh mẽ so với desktop (TMĐT trên nền tảng máy tính) khi chiếm đến 62% số lượng giao dịch, trong khi desktop chỉ chiếm 38%.
Theo báo cáo của Appota, doanh thu TMĐT trên di động Việt Nam đạt 5,6 tỷ USD vào năm 2020 với mức tăng trưởng bình quân 18,6% mỗi năm. Dự kiến, năm 2021 doanh thu TMĐT trên di động sẽ đạt 7 tỷ USD và đến năm 2023 có khả năng sẽ chạm tới mức 10,2 tỷ USD.
Năm 2020, thị trường TMĐT có mức tăng trưởng 18% với quy mô đạt 11,8 tỷ USD. Nguồn: Appota |
Về số lượng người dùng mua sắm trực tuyến, báo cáo của Appota cho biết, trong năm 2020, Việt Nam có 49 triệu người dùng (so với 46 triệu năm 2019), cao thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia (137 triệu) và Philippines (57 triệu).
Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm khoảng 65% trong tổng số người từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam và còn khá khiêm tốn so với Malaysia (83%), Singapore (79%) và Philippines (74%). Điều này cho thấy cơ hội tăng trưởng của thị trường thanh toán và TMĐT, cả về số lượng người dùng lẫn giá trị mua hàng ở Việt Nam trong những năm tới vẫn còn tiềm năng.
Cũng theo báo cáo của Appota, nhóm khách hàng thế hệ Millennials (thế hệ Y – độ tuổi từ 18-35) và thế hệ X (độ tuổi 35-49) đang là nhóm khách hàng thúc đẩy mua sắm trực tuyến nhiều nhất, chiếm khoảng 82-85% số người tham gia khảo sát, trong khi đó thế hệ Z (độ tuổi từ 16-19) chỉ chiếm 70,6%.
Điều này có thể lý giải bởi việc thế hệ Z mặc dù là những người đi đầu và dễ dàng cập nhật xu hướng mua sắm online, nhưng hiện nay nhóm khách hàng trung niên cũng đã quá quen với hình thức này và việc họ sở hữu tài chính ổn định khiến đây chính là nhóm khách hàng thúc đẩy mua sắm trực tuyến nhiều nhất./.
THIỆN TRẦN