Khẩn trương xây dựng, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Theo đó, trên cơ sở đánh giá sâu sắc, toàn diện những tác động của dịch Covid-19 đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, tình hình kinh tế của khu vực, thế giới và những kinh nghiệm thực hiện chính sách hỗ trợ giai đoạn 2008-2009, trong năm 2021, Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
“Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải có sự điều hành linh hoạt, hiệu quả, kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và phối hợp với các chính sách vĩ mô khác, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng cả về tổng cung và tổng cầu, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu vực thực sự cấp bách và cần thiết, có khả năng hấp thụ vốn, theo lộ trình phù hợp trong giai đoạn 2022-2023. Đồng thời, xây dựng những chương trình quản lý rủi ro, đảm bảo cho việc huy động, phân bổ các nguồn lực được công khai, minh bạch, đúng mục đích, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, chống lợi ích nhóm, tiêu cực và tham nhũng trong quá trình phân bổ và sử dụng chính sách hỗ trợ này” - Nghị quyết nêu rõ.
Quang cảnh phiên bế mạc Kỳ họp. Ảnh: quochoi.vn |
Đồng thời, khẩn trương xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trình Quốc hội xem xét, quyết định. Tăng cường đối thoại với DN và có các giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ, phát triển hộ kinh doanh; xây dựng, ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025; sớm ban hành Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025.
Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Nghị quyết cũng yêu cầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; trách nhiệm của người đứng đầu, có biện pháp quyết liệt trong việc chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn, giải ngân kế toán và quyết toán vốn đầu tư. Các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đề xuất bố trí vốn sát với khả năng thực hiện, khả năng giải ngân; kịp thời điều chuyển vốn không có khả năng giải ngân và giải ngân chậm cho những dự án có tỷ lệ đã giải ngân cao để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
“Năm 2021, phấn đấu phân bổ và giải ngân vốn NSNN đạt 90% dự toán Quốc hội giao; năm 2022, phân bổ và giải ngân vốn NSNN đạt 100% dự toán Quốc hội giao. Chậm nhất là 31/12/2022, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch. Trong tháng 12/2021, phê duyệt quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo cơ sở huy động các nguồn lực, nhất là nguồn vốn ODA đầu tư phát triển hạ tầng, các dự án thích ứng biến đổi khí hậu, tạo động lực phát triển kinh tế và liên kết vùng” - Nghị quyết nêu.
Đồng thời, Nghị quyết yêu cầu Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét quyết định Đề án thí điểm tách công tác giải phóng mặt bằng và dự án tái định cư ra khỏi các dự án đầu tư công. Kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn, các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Các dự án quan trọng quốc gia trước khi trình Quốc hội cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, theo đúng quy trình, bảo đảm khả thi, nhất là vấn đề huy động vốn và ý kiến của cơ quan KTNN. Tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ở các cấp, ngành, cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm, gây khó khăn, nhũng nhiễu, vi phạm quy định, tham nhũng, lãng phí về đầu tư công.
Trong năm 2021, sửa đổi quy định về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi; tăng cường vận động, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, đặc biệt chú trọng đối với các dự án có quy mô lớn về phát triển kinh tế - xã hội, các dự án kết nối hạ tầng có tính chất liên vùng, có tác động lan tỏa, các dự án về ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, các khoản hỗ trợ cho việc phòng, chống dịch Covid-19./.