Chiều 23/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo công tác năm 2024 và Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2025 của KTNN.
Tham dự Phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương cùng một số đơn vị chức năng của KTNN…
Kiểm toán quyết toán ngân sách tối thiểu 90% số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương
Báo cáo tại Phiên họp về dự kiến KHKT năm 2025, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, KHKT năm 2025 được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo định hướng chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KHKT trung hạn 2024-2026; phù hợp với nguồn lực của KTNN; cân đối chung giữa KHKT với kế hoạch công tác, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của KTNN và kế hoạch tổ chức Đại hội Đảng các cấp; dự phòng chủ động nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao.
Đồng thời, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ động phục vụ các chuyên đề giám tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tập trung kiểm toán những vẫn đề nóng được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm; đảm bảo tránh trùng lặp, chồng chéo với các cơ quan thanh tra, kiểm tra và trong ngành KTNN; hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị và địa phương được kiểm toán.
Theo đó, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2025 là 120 nhiệm vụ (giảm 01 nhiệm vụ so với năm 2024); đồng thời phải đảm bảo kiểm toán quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đạt tối thiểu 90% số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương; kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin phấn đấu đạt tỷ lệ 30% tổng số cuộc kiểm toán năm 2025 - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Đối với từng lĩnh vực cụ thể, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, KTNN dự kiến kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách 10 Bộ, cơ quan trung ương, đơn vị và báo cáo quyết toán của 41 Bộ, cơ quan trung ương bao gồm cả các hội, tổ chức, đạt 98% tương đương 41/42 đầu mối kiểm toán các Bộ, cơ quan trung ương (năm 2024 là 83%, năm 2023 là 68%).
Cùng với đó, kiểm toán tại 61 địa phương, trong đó kiểm toán đồng thời ngân sách (NSĐP) và báo cáo quyết toán NSĐP năm 2023 tại 22 địa phương; kiểm toán NSĐP tại 4 địa phương và kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP năm 2023 của 35 địa phương. Qua đó kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP của 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đạt 90,5%, tương đương 57/63 địa phương, bằng so với năm 2024; năm 2023 là 83%).
Đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công
Đối với lĩnh vực chuyên đề, năm 2025, KTNN lựa chọn một số chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng để tổ chức kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, hiệu quả hiệu lực thực thi chính sách đối với chuyên đề, chủ đề được lựa chọn.
Theo đó, KTNN dự kiến kiểm toán 25 chuyên đề (chưa bao gồm 02 chuyên đề trong lĩnh vực an ninh quốc phòng), trong đó một số chuyên đề, chủ đề kiểm toán có quy mô lớn, phạm vi rộng.
Cụ thể như chuyên đề “Việc thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư tại Khu kinh tế, Khu công nghiệp giai đoạn 2022-2024” tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương nhằm đánh giá việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các doanh nghiệp đầu tư và hoạt động trong Khu kinh tế, khu công nghiệp.
Chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng, sắp xếp lại và xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021” tại các Bộ, cơ quan trung ương và doanh nghiệp nhằm đánh giá việc sắp xếp lại và xử lý nhà, đất theo quy định của Nhà nước; những bất cập, tồn tại, khó khăn trong việc xử lý, sắp xếp lại nhà đất của các đơn vị để kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết (nếu có).
Chuyên đề “Công tác kiểm tra, thanh tra thuế giai đoạn 2022-2024 tại Tổng cục Thuế và các địa phương” để đánh giá hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế và việc chấp hành nghĩa vụ với NSNN của người nộp thuế.
KTNN cũng dự kiến thực hiện chuyên đề “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 28 địa phương; “Việc đầu tư, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ cho Đề án chuyển đổi số của địa phương” tại 13 địa phương...
KTNN dự kiến kiểm toán hoạt động 7 chủ đề liên quan đến bảo vệ môi trường, xử lý chất thải bệnh viện, rác thải sinh hoạt đô thị...
Bên cạnh đó, KTNN dự kiến thực hiện 19 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, quan trọng quốc gia, như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; các dự án xây dựng đường bộ cao tốc như: Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; các dự án nhà máy điện…; dự kiến thực hiện 13 cuộc kiểm toán đối với Ngân hàng Nhà nước; 07 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 05 tổ chức tài chính, ngân hàng và thực hiện 16 cuộc kiểm toán thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và khối cơ quan Đảng.
Bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lặp trong hoạt động kiểm toán
Thẩm tra dự kiến KHKT của KTNN, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, dự kiến KHKT năm 2025 phù hợp với yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030).
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên UBTVQH cơ bản nhất trí với nguyên tắc, mục tiêu, định hướng, lĩnh vực kiểm toán theo đề xuất của KTNN và ý kiến của Cơ quan thẩm tra.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, KTNN cần lựa chọn các nội dung kiểm toán bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, “trúng và đúng”, đồng thời cắt giảm các nhiệm vụ không cần thiết, trùng lặp với kế hoạch thanh tra.
Cụ thể như, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình và dự án, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tập trung kiểm toán các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm có khối lượng thực hiện và giải ngân lớn. Trong lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, cần làm rõ hiệu quả đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đánh giá việc thực hiện các chính sách tiền tệ, khả năng và hiệu quả cung cấp vốn cho nền kinh tế và kiểm soát rủi ro tín dụng…
Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, KTNN sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các thành viên UBTVQH và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách để tiếp tục hoàn thiện dự kiến KHKT năm 2025, đặc biệt là rà soát kỹ để tránh trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
KTNN và Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp rà soát để đáp ứng yêu cầu “gọn nhưng không trùng” theo quy định của Luật KTNN, Luật Thanh tra; tập trung vào những vấn đề mà UBTVQH, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện giám sát tối cao; đồng thời phục vụ cho năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định.
Trên cơ sở các ý kiến tại Phiên họp, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị KTNN tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng công tác xây dựng KTKT; tập trung lựa chọn các nội dung trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, bảo đảm quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài chính công, tài sản công chặt chẽ, hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí tiền, tài sản nhà nước. Đồng thời, cắt giảm các nhiệm vụ và các cuộc kiểm toán chưa thật sự cần thiết, trùng lặp với các kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, các Bộ quản lý chuyên ngành để bảo đảm KHKT hiệu quả, hiệu lực.
Cùng với đó, KTNN cần rà soát, lựa chọn, tránh chồng chéo khi thực hiện các cuộc kiểm toán tại các Bộ, ngành, địa phương; tập trung ưu tiên nguồn lực, nhân lực cho các cuộc kiểm toán phục vụ cho quyết toán NSNN năm 2024; phục vụ các đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH và thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH; các chuyên đề quan trọng liên quan đến những vấn đề được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm.
UBTVQH giao KTNN tiếp thu ý kiến của UBTVQH, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và các cơ quan của Quốc hội hoàn chỉnh dự kiến KHKT năm 2025 báo cáo Quốc hội.