Từ năm 2008 đến nay, lỗ lũy kế của SAA lên tới 32 tỷ Rand, tương đương khoảng 2 tỷ USD - Nguồn: internet. |
Trong bài phát biểu thường niên về kế hoạch phân bổ ngân sách giai đoạn 2020-2021, Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Tito Mboweni đã thông tin việc chính phủ đã thu xếp 16,4 tỷ Rand nhằm giúp SAA thực hiện những nghĩa vụ về tài chính, trong đó bao gồm việc trang trải những khoản vay được đảm bảo, cũng như chi phí phát sinh trong quá trình vay nợ.
Bộ trưởng Mboweni cho biết theo kế hoạch, gói cứu trợ tài chính sẽ được giải ngân trong vòng 3 năm tới.Tuy nhiên, kế hoạch phân bổ sẽ liên tục được điều chỉnh và cập nhật theo tình hình hoạt động thực tế của SAA nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Trước đó, hôm 6/2, hãng hàng không có lịch sử 100 năm này thông báo kế hoạch ngừng khai thác hầu hết các chuyến bay nội địa và một số chuyến bay quốc tế, đồng thời cân nhắc bán một số tài sản và cắt giảm nhân viên nhằm giảm tối đa chi phí hoạt động.
Vào tháng 11/2019, nhân viên SAA đã tiến thành đình công để phản đối kế hoạch cắt giảm tiền lương và sa thải 900 nhân viên, buộc hãng hủy tất cả các chuyến bay trong nhiều ngày. SAA cho biết cuộc đình công của các nghiệp đoàn đại diện cho khoảng 3.000 trong số 5.000 nhân viên đã gây thiệt hại cho hãng 50 triệu Rand (khoảng 3,36 triệu USD) mỗi ngày.
Trên thực tế, SAA đã bắt đầu rơi vào cảnh thua lỗ từ năm 2008 do năng lực quản trị yếu kém dẫn đến mất một số lượng lớn hành khách vào tay các hãng hàng không giá rẻ.
Ngoài ra, chi phí hoạt động ngày càng tăng, đặc biệt là giá nhiên liệu, đã góp phần đẩy một trong những hãng hàng không có bề dày lịch sử nhất châu Phi này vào vòng xoáy thua lỗ.
Từ năm 2008 đến nay, lỗ lũy kế của SAA lên tới 32 tỷ Rand, tương đương khoảng 2 tỷ USD.