Nâng cao chất lượng kiểm toán công tác quản lý chất thải y tế

(BKTO) - Chiều 23/11, Hội đồng khoa học KTNN đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Nâng cao chất lượng kiểm toán công tác quản lý chất thải trong lĩnh vực y tế vì sự phát triển bền vững”.



                
   

Ban Chủ nhiệm Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu.
   Ảnh: N.Ly

   

Đề tài do ThS. Bùi Thị Minh Ngọc (Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán) và ThS. Nguyễn Thị Hải Yến (KTNN chuyên ngành II) đồng Chủ nhiệm. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
         
Đề tài “Nâng cao chất lượng kiểm toán công tác quản lý chất thải trong lĩnh vực y tế vì sự phát triển bền vững” được kết cấu gồm 3 chương: Chương 1- Tổng quan về công tác quản lý chất thải y tế vì mục tiêu phát triển bền vững, Chương 2 - Thực trạng kiểm toán công tác quản lý chất thải y tế tại Việt Nam, Chương 3 - Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán môi trường của KTNN.

Theo Ban Chủ nhiệm Đề tài, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam đang có chiều hướng phức tạp, đặc biệt là sự gia tăng đáng kể số lượng chất thải, trong đó có chất thải phát sinh từ lĩnh vực y tế. Nếu không được quản lý chặt chẽ, tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của người dân.

Hiện nay, vấn đề môi trường đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm và lồng ghép trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Với vai trò và trách nhiệm được giao, KTNN Việt Nam đã và đang hướng tới việc phát triển, đẩy mạnh kiểm toán môi trường, chú trọng đến công tác kiểm toán chất thải, trong đó có chất thải lĩnh vực y tế.

Thông qua một số cuộc kiểm toán, KTNN bước đầu đã đánh giá được những hạn chế về cơ chế, chính sách cũng như thực trạng công tác quản lý, triển khai thực hiện việc xử lý chất thải nói chung và rác thải y tế nói riêng gây tác hại cho môi trường. Tuy nhiên, các cuộc kiểm toán mới chỉ dừng lại ở những mục tiêu riêng lẻ, chưa có sự tổng hợp, kết nối thành một bức tranh tổng thể và gắn với mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Từ thực trạng trên, Ban Đề tài đã tiến hành nghiên cứu nhằm hệ thống hóa các cơ sở lý luận kiểm toán môi trường trong lĩnh vực y tế, đánh giá thực trạng triển khai kiểm toán công tác quản lý chất thải y tế của KTNN và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán công tác quản lý chất thải y tế vì sự phát triển bền vững. Ngoài ra, Ban Đề tài còn nghiên cứu thêm hướng dẫn, cẩm nang kiểm toán môi trường của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới và các tổ chức uy tín như: Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Âu (EUROSAI), Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) để rút ra bài học kinh nghiệm cho KTNN Việt Nam.
                
   

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đưa ra nhận xét và góp ý với Ban Chủ nhiệm Đề tài. Ảnh: N.Ly

   

Đánh giá cao nỗ lực nghiên cứu của Ban Đề tài, các thành viên Hội đồng nghiệm thu cho rằng, việc nghiên cứu vấn đề: “Nâng cao chất lượng kiểm toán công tác quản lý chất thải trong lĩnh vực y tế vì sự phát triển bền vững” là cần thiết cả về lý luận và thực tiễn.

Đề tài đã hệ thống hóa được cơ sở lý luận về môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải y tế nói riêng; đồng thời, phân tích được thực trạng công tác quản lý chất thải y tế hiện nay và hoạt động kiểm toán của KTNN trong lĩnh vực này, từ đó đưa ra khuyến nghị các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán công tác quản lý chất thải y tế.

Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài nghiên cứu, bổ sung thêm một số nội dung như: Trích dẫn và đúc kết về khái niệm kiểm toán môi trường; bổ sung các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán công tác quản lý chất thải y tế vì sự phát triển bền vững tại KTNN hiện nay.

Ban Đề tài cũng cần rà soát, bổ sung về thực trạng công tác kiểm toán quản lý chất thải y tế theo các trọng điểm: Tình hình triển khai kiểm toán (thời gian, số lượng, việc xây dựng và ban hành các hướng dẫn trong kiểm toán chất thải y tế, tổ chức bộ máy, nhân lực, kết quả kiểm toán chủ yếu); những hạn chế, khó khăn vướng mắc khi triển khai kiểm toán để làm cơ sở đề ra giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán.

Kết luận tại buổi nghiệm thu, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đề nghị Ban Chủ nhiệm tiếp thu, hoàn thiện Đề tài theo các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu. Trong đó, Đề tài cần rà soát lại kết cấu các chương, mục tiêu, phạm vi, đối tượng nghiên cứu; làm rõ nội dung về cơ sở pháp lý để KTNN triển khai kiểm toán chất thải y tế; đưa ra các kiến nghị phù hợp với thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN để nâng cao chất lượng kiểm toán môi trường nói chung và kiểm toán chất thải y tế nói riêng.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá Đề tài xếp loại Khá.
THÙY LÊ







Cùng chuyên mục
Nâng cao chất lượng kiểm toán công tác quản lý chất thải y tế