Quang cảnh Hội thảo |
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBDN tỉnh Nghệ An; Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng; Trần Văn Miên - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng; Bùi Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương, Trường đại học, Viện nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học, các Tập đoàn, Tổng công ty, đại diện các công ty kiểm toán độc lập, các tổ chức, hội nghề nghiệp kiểm toán, kế toán...
Về phía KTNN có TS. Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước, GS.TS Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Hội thảo diễn ra dưới sự đồng chủ trì của GS.TS Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước và ông Lê Minh Nam - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nêu rõ, công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại nhiều thành tựu về tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam. Trong quá trình này, việc huy động và sử dụng vốn đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo nền tảng vật chất kỹ thuật cho đất nước, kiến tạo hạ tầng kinh tế - xã hội, là “đòn bẩy” đối với một số ngành và vùng trọng điểm... Đầu tư công có vai trò trong việc điều tiết các chỉ số kinh tế vĩ mô như bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia, góp phần ổn định và làm giảm khoảng cách giàu nghèo, giảm bất bình đẳng, bất công trong xã hội.
GS.TS Đoàn Xuân Tiên phát biểu khai mạc Hội thảo |
Ở Việt Nam, đầu tư công chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tổng mức đầu tư cũng như tăng trưởng kinh tế. Do đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn nên bất kỳ sự thay đổi về tốc độ tăng trưởng đầu tư công đều ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tổng mức đầu tư.
Từ đầu năm 2020 đến nay, kinh tế thế giới nói chung và nước ta nói riêng chịu tác động rất nặng nề của đại dịch Covid-19. Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực chỉ đạo vừa phòng, chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Mặc dù Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo song tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, hiệu lực của các dự án đầu tư công - GS.TS Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh.
Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm là 159 nghìn tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch (cùng kỳ đạt 28,56% kế hoạch Quốc hội giao). Trong đó, vốn trong nước là 145 nghìn tỷ đồng (đạt 37,55% kế hoạch), vốn nước ngoài là 7,061 nghìn tỷ đồng (đạt 12,52% kế hoạch), vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 7,065 nghìn tỷ đồng (đạt 25,85% kế hoạch). |
Trong những năm qua, với mục tiêu trở thành công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước, góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia, KTNN đã tiếp tục đi sâu vào kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm, trong đó công tác kiểm toán các dự án đầu tư công được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của KTNN.
Qua công tác kiểm toán các dự án đầu tư công hàng năm, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng; đồng thời đưa ra rất nhiều kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương và các Ban Quản lý dự án để kịp thời khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong công tác chỉ đạo điều hành và quản lý dự án; kiến nghị xem xét, sửa đổi kịp thời các quy định, chính sách không phù hợp để nâng cao hiệu quả đầu tư dự án.
Kết quả kiểm toán các dự án đầu tư công cho thấy còn nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý đầu tư công, đặc biệt là trong các dự án dưới các hình thức mới như các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Chủ trì Hội thảo |
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác kiểm toán các dự án đầu tư công trong thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán. Trong đó, quy mô và tần suất kiểm toán của KTNN còn nhỏ so với yêu cầu kiểm tra, kiểm soát các đối tượng sử dụng tài chính công, tài sản công, nhất là lĩnh vực kiểm toán đầu tư xây dựng. Mặc dù KTNN đã tiến hành một số cuộc kiểm toán các dự án đầu tư ngay từ khi khởi công đến hoàn thành công trình nhưng chỉ chiếm số lượng nhỏ trong các dự án, chương trình được kiểm toán hàng năm, còn lại vẫn là kiểm toán sau.
Bên cạnh đó, công tác kiểm toán hoạt động và kiểm toán chuyên đề chuyên sâu còn hạn chế, nên chưa có điều kiện đi sâu, giải đáp thích đáng các vấn đề về hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, nhất là hiện tượng tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư dự án. Việc sử dụng chuyên gia và trưng cầu giám định những hạng mục chính trong quá trình kiểm toán còn hạn chế. Công tác phối hợp của một số cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư dự án chưa được tốt...
Do đó, dựa trên đề xuất của Đoàn chủ trì Hội thảo, tại Hội thảo, các đại biểu tập trung tham luận, thảo luận về thực trạng, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của KTNN trong việc nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Ninh...
Đại biểu của tỉnh Bắc Ninh tham luận tại Hội thảo |
Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm của các địa phương và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đánh giá về thực trang giải ngân vốn đầu tư công dưới góc nhìn của KTNN; giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Long An và vai trò của KTNN...
Qua đó, Hội thảo tập trung làm rõ các vấn đề về lý luận, tìm ra các giải pháp có tính khả thi cao nhằm giúp cho các cơ quan nhà nước có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý, vận hành các dự án đầu tư công, việc giải ngân để các dự án được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả, đồng thời giúp KTNN hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Quốc hội và nhân dân.
Tin và ảnh: H.THOAN - N.LỘC