Tiềm lực khoa học và công nghệ tiếp tục được tăng cường
Báo cáo tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, thời gian qua, tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia tiếp tục được tăng cường. Việc nghiên cứu, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được quan tâm triển khai ở các Bộ, ngành, địa phương; nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin, xây dựng; hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh. Hạ tầng nghiên cứu trong một số lĩnh vực trọng điểm như: công nghệ sinh học, hóa dầu, vật liệu, tự động hóa, nano, công nghệ tính toán, y học... được tăng cường và có những đóng góp quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Cùng với đó, cơ chế, chính sách về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho DN hoạt động KH&CN, đưa DN trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Môi trường pháp lý cho hoạt động của thị trường KH&CN cơ bản đã hình thành, tạo điều kiện cho các yếu tố của thị trường công nghệ phát triển. Việc huy động kinh phí ngoài NSNN để triển khai hoạt động KH&CN tiếp tục được quan tâm thực hiện, tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và DN được cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Chất lượng nguồn nhân lực KH&CN không ngừng được nâng cao, trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín, được thế giới công nhận. Việc chuyển đổi tổ chức KH&CN sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm được đẩy mạnh. Một số tổ chức KH&CN tiên tiến tầm quốc tế đã được thành lập cả ở khu vực công và tư.
Thẩm tra nội dung Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban KH,CN&MT đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN…“KH&CN đã thực sự khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Hoạt động KH&CN đã bám sát hơn và phục vụ trực tiếp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, chuyển dịch theo hướng nâng cao tính ứng dụng và hiệu quả. Trong điều kiện NSNN còn khó khăn nhưng nhiều Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm hơn đến đầu tư cho KH&CN” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Nguyễn Phương Tuấn nêu rõ.
Gắn khoa học, công nghệ với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội
Bên cạnh những kết quả tích cực, Ủy ban KH,CN&MT cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho KH&CN như: các văn bản quy phạm pháp luật về trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN chưa hướng dẫn cụ thể, chi tiết và phù hợp với thực tế hoạt động của DN, nhất là trong hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ; cơ chế, chính sách hướng dẫn về trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của DN mới chủ yếu tập trung hướng dẫn cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, chưa ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể cho hoạt động đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo của DN theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh đó, các giao dịch thương mại hóa sản phẩm KH&CN trên thị trường từ các đơn vị nghiên cứu trong nước còn rất ít; việc định giá, chuyển giao các kết quả nghiên cứu KH&CN còn hạn chế; mối liên kết giữa nghiên cứu với thị trường, hệ thống tổ chức trung gian còn yếu và chưa khẳng định được vai trò kết nối; hoạt động chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến, đặc biệt là từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài cho các DN trong nước còn hạn chế.
Đại biểu phát biểu thảo luận tại Phiên họp.Ảnh: quochoi.vn |
Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu cũng chỉ rõ, công tác thẩm định, đánh giá lựa chọn công nghệ thời gian qua vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nghiên cứu giải mã công nghệ chưa thực sự được phổ biến, do thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn sâu, đặc biệt là thiếu các chuyên gia đầu ngành. Bên cạnh đó, các quy định về tài chính thuê chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc đưa kết quả nghiên cứu KH&CN vào thực tế sản xuất còn gặp khó khăn ở khâu thử nghiệm.
Nhiều ý kiến đề nghị, Bộ KH&CN tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế hình thành và gắn các chương trình KH&CN với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, dự án trọng điểm của đất nước, thông qua đó, KH&CN trong nước có điều kiện để phát triển; làm chủ các công nghệ mới, tạo ra được các sản phẩm của Việt Nam với tỉ lệ hàm lượng KH&CN cao hơn. Đồng thời, nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN theo hướng gắn kết chặt chẽ về trách nhiệm và quyền lợi của nhà nghiên cứu và nhà sản xuất; nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách theo hướng đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức, DN, cá nhân đầu tư đổi mới công nghệ.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cần rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến: định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng NSNN; khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển KH&CN của DN; xử lý tài sản hình thành từ việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN…