Nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19 của hệ thống y tế

(BKTO) - Xác định cơ sở y tế là nơi trọng yếu để phát hiện, sàng lọc, điều trị các ca bệnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế cần cảnh giác ở mức độ cao nhất, đồng thời tăng cường năng lực đáp ứng yêu cầu chống dịch.




Các cơ sở y tế cần tăng cường năng lực đáp ứng yêu cầu chống dịch. Ảnh: P.Tuân

Còn nhiều khó khăn để đáp ứng chống dịch

Tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Y tế tổ chức vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho biết: Thời gian qua, các bệnh viện đã giữ vững “trận địa” để không bị quá tải trong các đợt dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, thực tế năng lực cơ sở y tế hiện nay còn tương đối hạn chế, chưa có đủ điều kiện như các nước phát triển. “Nếu để dịch Covid -19 xảy ra ở quy mô lớn, lây lan rộng, Việt Nam sẽ trong tình thế vô cùng khó khăn, vì năng lực của các cơ sở y tế hiện tại như số giường bệnh, năng lực hồi sức cấp cứu… còn hạn chế, không đủ đáp ứng khi dịch lây lan mạnh như các nước” - ông Khoa nêu thực tế.

Bên cạnh đó, việc đào tạo bác sĩ hồi sức cấp cứu điều trị Covid-19 có khả năng đặt được hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO) phải mất từ 2 - 3 năm mới thành thạo. Trong khi thực tế, không phải cơ sở y tế nào cũng có đội ngũ bác sĩ có thể đáp ứng yêu cầu. Hiện ở các địa phương, năng lực hồi sức cấp cứu với các ca bệnh nặng mới chủ yếu tập trung ở bệnh viện đa khoa tỉnh, trong khi đó, các giường bệnh vẫn đang dành cho các bệnh nhân khác. Mặc dù các cơ sở y tế trên toàn quốc đã được trang bị máy thở có khả năng điều trị Covid-19 nhưng năng lực điều trị ECMO mới chỉ có một số ít bệnh viện làm được và đều phải huy động từ các bệnh viện lớn.

Qua tham khảo tình hình các nước, các chuyên gia đã đặt thử Việt Nam vào các tình huống dịch như Mỹ, Pháp, Nga… Ước tính, Việt Nam có trung bình khoảng 3.000 giường bệnh/triệu dân, nếu gặp phải tình huống dịch lây lan mạnh như các nước thì số giường bệnh chỉ đủ phục vụ cho điều trị bệnh nhân Covid-19, không còn chỗ cho các bệnh nhân khác. Nếu tỷ lệ cao như Mỹ, với 14.000 ca bệnh/triệu dân, chắc chắn Việt Nam sẽ không có đủ cơ sở y tế để điều trị.

Cảnh giác ở mức độ cao nhất

Theo Bộ Y tế, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Dịch bệnh đã bùng phát trở lại trong mùa đông xuân tại nhiều nơi trên thế giới. Trong bối cảnh đó, nguy cơ lây nhiễm dịch từ các nước vào Việt Nam hiện rất lớn, Việt Nam luôn đứng trước tình huống dịch có thể xâm nhập vào cộng đồng bất cứ lúc nào. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ rõ, tâm lý chủ quan đã bắt đầu xuất hiện nên nhiều cơ sở y tế không thực hiện phân luồng, phân tuyến, không kiểm soát việc đeo khẩu trang, kiểm soát, khám sàng lọc. Năng lực xét nghiệm của hệ thống y tế còn thấp, chỉ khoảng 4.000 mẫu/ngày. Nhiều ca bệnh có triệu chứng sốt, ho, khó thở, viêm phổi không được xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Đây là lỗ hổng khiến nguy cơ lây nhiễm ở bệnh viện rất lớn.

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã có Chỉ thị yêu cầu việc phòng dịch phải đặt trong tình trạng nghiêm ngặt với mức độ an toàn cao nhất. Theo đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần thực hiện đánh giá theo Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp theo quy định; trên cơ sở đó rà soát các vấn đề không an toàn và các nguy cơ tiềm ẩn được phát hiện, xây dựng kế hoạch khắc phục, giải pháp can thiệp, nhằm tăng cường năng lực phòng, chống dịch của bệnh viện.

Đồng thời, các cơ sở y tế duy trì tổ chức thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân loại, phân luồng; đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo; tiếp tục mở rộng xét nghiệm cho các trường hợp nghi ngờ, bệnh nhân nằm điều trị tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng và nhân viên y tế; tăng cường tập huấn về công tác xét nghiệm, điều trị, sử dụng trang thiết bị máy thở, máy lọc máu và các thiết bị khác phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19. “Việc bảo đảm an toàn bệnh viện là vô cùng quan trọng. Chúng ta đã có những bài học phải trả với giá rất đắt khi để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Các bệnh viện cần cảnh giác ở mức độ cao nhất. Nếu để lây nhiễm chéo tại các bệnh viện, sẽ tạm đình chỉ công tác người đứng đầu” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Để dự phòng các tình huống dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào và dự phòng cả trường hợp không có sự hỗ trợ từ các địa phương khác, đại diện Bộ Y tế đề nghị, mỗi tỉnh, thành phố phải chuẩn bị ít nhất 1 - 2 bệnh viện có phương án chuyển đổi từ bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa thành bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19. Đồng thời, có phương án chuẩn bị các điều kiện để thiết lập các cơ sở dã chiến điều trị Covid-19 từ tận dụng các cơ sở ngoài y tế có thể lưu trú để điều trị bệnh nhân.

ĐĂNG KHOA
Cùng chuyên mục
Nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19 của hệ thống y tế