Nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc

(BKTO) - Sau 30 năm kể từ ngày Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao (1992-2022), quan hệ hai nước có những bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực hợp tác. Đặc biệt, chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Hàn Quốc từ ngày 04 đến 06/12 đã mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước, đưa hợp tác song phương lên một tầm cao mới.

2-mr-nguyen-xuan-phuc.jpg
Ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh: TTXVN

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam - bà Oh Young Ju - cho biết, chuyến thăm cấp Nhà nước lần này của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Chủ tịch nước Việt Nam là khách mời cấp Nhà nước đầu tiên kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok Yeol nhậm chức. “Điều này cho thấy cả Chính phủ Việt Nam mới ra mắt hồi đầu năm ngoái và Chính phủ Tổng thống Yoon Suk Yeol vừa ra mắt năm nay đều rất coi trọng quan hệ song phương và sẽ tiếp tục nỗ lực tích cực để phát triển mối quan hệ song phương này. Việt Nam đã là một trong những đối tác quan trọng nhất với Hàn Quốc trên tất cả các phương diện” - bà Oh Young Ju nhận định.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cũng thông tin, trong 30 năm qua, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng. Theo đó, dự kiến kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc sẽ đạt 90 tỷ USD trong năm 2022 và vượt 100 tỷ USD trong năm 2023. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư và là điểm đến đầu tư lớn thứ ba của Hàn Quốc. Hiện có khoảng 8.000 doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc hoạt động trên khắp Việt Nam. Đối với Việt Nam, Hàn Quốc là nước đầu tư lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ ba sau Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Trong mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mới, hai nước sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác kinh tế tập trung vào sản xuất hiện tại sang chuyển đổi số, hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon, phát triển lĩnh vực sinh học và an ninh kinh tế… Hơn nữa, bà Oh Young Ju cũng hy vọng rằng, mối quan hệ trao đổi và hợp tác giữa hai nước, vốn được tập trung vào lĩnh vực kinh tế, sẽ gặt hái được thành quả trong các lĩnh vực: Quốc phòng và an ninh, y tế và môi trường cũng như xã hội và văn hóa… Ngoài ra, với tư cách là Đối tác chiến lược toàn diện, hai nước cần vượt ra khỏi phạm vi hợp tác song phương và hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc giải quyết một số thách thức chung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn cầu.

Thúc đẩy mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư

Tại cuộc hội đàm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol diễn ra ngày 05/12 tại Thủ đô Seoul, ông Yoon Suk-yeol khẳng định, Hàn Quốc luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng, ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc tại khu vực. Trong khi đó, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam cho rằng, Việt Nam nhất quán coi trọng quan hệ với Hàn Quốc trong tổng thể đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng và hài lòng trước sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả của quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước trong những năm qua, nhất là từ sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên “Đối tác hợp tác chiến lược” vào năm 2009. Trên cơ sở những thành tựu quan trọng đã đạt được, với niềm tin mạnh mẽ vào tương lai hợp tác giữa hai nước, hai nhà lãnh đạo đã cùng tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc lên “Đối tác chiến lược toàn diện”, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho quan hệ hai nước.

Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí phối hợp sớm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023, hướng tới 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng. Theo đó, Hàn Quốc sẽ tích cực xem xét, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc, đồng thời hỗ trợ DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN Hàn Quốc, Việt Nam, tạo điều kiện để các DN Hàn Quốc đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư vào các lĩnh vực như: Điện tử, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu tổ hợp công nghệ chuyên sâu, khu công nghiệp xanh, đô thị thông minh, chú trọng chuyển giao công nghệ.

Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao tính thiết thực và hiệu quả của nguồn vốn ODA Hàn Quốc dành cho Việt Nam thời gian qua, nhất trí tăng cường hợp tác hỗ trợ phát triển, tăng nguồn vốn ODA cho Việt Nam trong những năm tới, ưu tiên các lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực; mở rộng hơn nữa quy mô viện trợ không hoàn lại, nhất là cho các dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long, xem xét giảm, tiến tới bỏ các điều kiện ràng buộc về nhà thầu, xuất xứ hàng hóa... trong việc thực hiện các khoản vay của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF).

Ngoài ra, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về quy hoạch và phát triển đô thị, nhà ở và thị trường bất động sản, hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực về quản lý, vận hành giao thông hàng hải, hàng không, đường bộ; thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm giai đoạn 2021-2025, thúc đẩy đầu tư Hàn Quốc vào lĩnh vực hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm mở rộng phạm vi, tăng cường mức hợp tác trong lĩnh vực lao động và dạy nghề, sớm ký gia hạn Bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động sang làm việc tại Hàn Quốc (EPS) sẽ hết hạn vào tháng 02/2023…/.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quôc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk-yeol đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện; chứng kiến Lễ ký kết nhiều văn kiện hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương và DN hai nước. Đồng thời, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với một số nhà lãnh đạo của Hàn Quốc; dành thời gian tiếp các tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc đang triển khai nhiều dự án quy mô lớn tại Việt Nam; tham dự Diễn đàn DN Việt Nam - Hàn Quốc…

Cùng chuyên mục
Nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc