Nâng tầm quan hệ đối ngoại của đất nước

(BKTO) - Trong năm 2024, các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao được triển khai sôi động, nâng tầm quan hệ đối ngoại của đất nước. Bám sát đường lối đối ngoại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại trong năm qua đã được triển khai một cách bài bản và rộng khắp với nhiều đối tác và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng.

3.jpeg
Lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc, tháng 8/2024. Ảnh: ST

Những chuyến thăm nâng tầm hội nhập và phát triển

Trong năm 2024, Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã tiến hành tổng cộng 60 hoạt động đối ngoại, trong đó có 21 chuyến thăm tới các nước và tham dự các hội nghị đa phương lớn. Những chuyến thăm, hoạt động đối ngoại này đạt được nhiều kết quả có tầm quan trọng chiến lược và lâu dài, nhất là việc nâng tầm, nâng cấp quan hệ với các đối tác chủ chốt và đưa quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả. Trong đó, các chuyến công du tạo dấu ấn đậm nét như: Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước (nay là Tổng Bí thư) Tô Lâm, tháng 8/2024. Trong chuyến thăm này, hai bên đã ra Tuyên bố chung giữa hai nước về tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc, ký kết 16 văn kiện triển khai hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác kết nối giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” với khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai”; nhất trí đẩy nhanh xây dựng “kết nối cứng” về hạ tầng cơ sở, cửa khẩu, đường sắt qua biên giới giữa hai nước; tăng cường “kết nối mềm” về hải quan thông minh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các lực lượng đối ngoại đã tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, thực hiện các nhiệm vụ đã được Đảng và Nhà nước đề ra. Nhìn tổng thể, thành tựu của 40 năm đổi mới, trong đó có giai đoạn từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, tạo ra những hiểu biết quan trọng để phấn đấu cho hoài bão mới, kỷ nguyên mới thịnh vượng và phồn vinh của dân tộc... Sau khi hợp nhất một số cơ quan Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao có vinh dự và trách nhiệm rất lớn khi tiếp nhận sự nghiệp đối ngoại Đảng và đối ngoại Quốc hội.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung

Tiếp đó, tháng 9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước (nay là Tổng Bí thư) Tô Lâm đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh tương lai, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ. Trong chuyến công tác này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có các bài phát biểu quan trọng tại các phiên thảo luận của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kết hợp với các hoạt động song phương như: Gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi… Cũng trong tháng 9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước (nay là Tổng Bí thư) Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Cuba. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Bí thư thứ nhất, Chủ tịch nước Cuba Miguel Diaz-Canel Bermudez đã chứng kiến lễ ký kết 7 văn kiện hợp tác về các lĩnh vực như: Chính trị, kinh tế, ngân hàng, hợp tác địa phương, y tế, nông nghiệp...

Trong năm 2024, Chủ tịch nước Lương Cường thăm chính thức Chile. Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Lương Cường trên cương vị mới. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Gabriel Boric Font đã hội đàm, chứng kiến lễ ký Tuyên bố chung Việt Nam - Chile, Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước và các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, xúc tiến thương mại.

Cũng trong năm 2024, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam - Thủ tướng Phạm Minh Chính - cũng thực hiện nhiều chuyến công du ra nước ngoài. Trong đó, Thủ tướng thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ; thăm chính thức UAE, Qatar, tham dự Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 và thăm làm việc Saudi Arabia. Trong chuyến công tác này của Thủ tướng, Việt Nam và UAE đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện. Với Qatar, hai bên đã ra thông cáo chung và ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng. Với Saudi Arabia, hai bên thống nhất mục tiêu kim ngạch thương mại 10 tỷ USD.

Năm 2024, ngoại giao Nghị viện được ghi dấu bằng nhiều chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội có chuyến thăm chính thức Lào và tham dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á lần thứ 45 (AIPA-45); thăm chính thức Campuchia và tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các chính đảng chính trị châu Á (ICAPP); dự Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP). Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có gần 30 hoạt động, đặc biệt bài phát biểu tại Lễ Khai mạc ICAPP được các đại biểu đánh giá cao.

Trong năm qua, Lãnh đạo nhiều quốc gia, nhất là các nước có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam và nhận được sự đón tiếp trọng thị, chân thành, chu đáo từ các đồng chí Lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trong đó có thể kể đến như Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của: Tổng thống Nga Vladimir Putin; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun; Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni; chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Bulgaria Rumen Radev...

Góp phần tạo đà đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Năm 2025 là năm quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt đối với dân tộc ta, là năm kỷ niệm 80 năm thành lập nước và 50 năm thống nhất đất nước, năm cuối quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đồng thời cũng là năm bản lề bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đất nước ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, đặt ra những nhiệm vụ mới cho đối ngoại, ngoại giao. Tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao tháng 8/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu trong thời gian tới, công tác đối ngoại, ngoại giao cần “chủ động, kịp thời phát hiện cơ hội, thách thức, tăng cường đóng góp tích cực của ngoại giao trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước”, “nâng tầm, mở rộng đóng góp của Việt Nam cho sự nghiệp cách mạng thế giới, cho hoà bình, hợp tác, phát triển và tiến bộ của nhân loại” và “lan tỏa mạnh mẽ phiên bản Việt Nam độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển, phồn vinh, hạnh phúc”.

Do đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, nhiệm vụ bao trùm của đối ngoại - ngoại giao trong năm 2025 cũng như cho kỷ nguyên mới là tiếp tục kế thừa các mục tiêu, nguyên tắc, phương châm, phương thức đối ngoại đã được khẳng định trong chặng đường 80 năm của nền đối ngoại, ngoại giao cách mạng Việt Nam. Đồng thời trước những biến chuyển to lớn của thời đại đặt ra yêu cầu đối ngoại, ngoại giao Việt Nam phải có những đổi mới căn bản đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới. Trong đó, phát huy vai trò “trọng yếu, thường xuyên”, củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi cho đất nước, tạo dựng các khuôn khổ quan hệ vững vàng trước những biến đổi sâu sắc của thời đại.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, mọi hoạt động đối ngoại, ngoại giao phải phục vụ đắc lực, hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu cao hơn trong điều kiện có thể; giữ vững, củng cố, tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển, thúc đẩy quan hệ với tất cả các nước đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đặc biệt là các nước lớn, nước láng giềng và các nước bạn bè truyền thống.

Thủ tướng cũng yêu cầu, ngành ngoại giao hoàn thành việc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ từ Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, sắp xếp bộ máy tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; củng cố, tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa 3 trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; xây dựng và thực hiện đề án cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, củng cố, tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất trong và ngoài nước của ngành Ngoại giao.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trên cơ sở những thành quả đã đạt được trong năm 2024, ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc./.

Cùng chuyên mục
Nâng tầm quan hệ đối ngoại của đất nước