Nâng thời giờ làm thêm: Bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động

(BKTO) - Theo dự kiến, dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua trong đợt 2 của Phiên họp thứ 9. Thảo luận bước đầu về dự thảo Nghị quyết tại phiên họp mới đây, các thành viên UBTVQH và đại diện các cơ quan liên quan đều thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, song lưu ý việc nâng thời giờ làm thêm phải đảm bảo thỏa thuận bình đẳng, tự nguyện, công khai, hài hòa lợi ích của DN cũng như của người lao động (NLĐ).



Giải pháp đặc biệt để khôi phục sản xuất, phục hồi kinh tế

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong năm 2021 hàng triệu NLĐ mất việc, lao động trong các ngành kinh tế tiếp tục giảm, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn năm trước.

Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP, các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới song ảnh hưởng của đại dịch xảy ra liên tục trong hai năm qua làm hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN bị đình trệ, lao động không có việc làm và thất nghiệp tăng, sự dịch chuyển lao động lớn gây thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật ở nhiều địa phương…
                
   

Chính phủ đề xuất tăng thời giờ làm thêm của NLĐ để giải quyết những khó khăn về lực lượng lao động trong bối cảnh dịch bệnh. Ảnh: TTXVN

   

Bên cạnh đó, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã nhận được nhiều phản ánh của các DN, các hiệp hội DN về thực trạng hoạt động sản xuất, đặc biệt là những khó khăn về lực lượng lao động, mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, làm bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc.

Thực tế trên cho thấy, các quy định về giới hạn làm thêm trong tháng, trong năm tại Điều 107 của Bộ luật Lao động cần phải có sự điều chỉnh trong giai đoạn ngắn để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, NLĐ có việc làm và thêm thu nhập, ổn định lại cuộc sống. Do đó, Chính phủ đề xuất UBTVQH ban hành Nghị quyết cho phép nâng số giờ làm thêm trong 01 tháng của NLĐ từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ và số giờ làm thêm trong 01 năm của NLĐ là không quá 300 giờ, được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, công việc.

Thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, các ý kiến tham gia thẩm tra cơ bản đều đồng tình với quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết quy định về biện pháp hết sức đặc biệt này.

Tán thành với đề xuất của Chính phủ về sự cần thiết tăng thời giờ làm thêm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, nếu ban hành được nghị quyết về tăng thời giờ cho NLĐ thì đây là giải pháp thiết thực để góp phần hỗ trợ cho DN tháo gỡ khó khăn ở thời điểm đang rất nhiều những vướng mắc, khó khăn đặt ra do dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, NLĐ cũng có nhu cầu làm thêm để có thêm thu nhập, bù lại những ngày phải cách ly, bị phong tỏa.

Từ góc độ cơ quan đại diện NLĐ, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết, trong quá trình chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của UBTVQH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lấy ý kiến của hơn 10 nghìn NLĐ về việc tăng thời giờ làm thêm theo tháng và theo năm. Theo đó, đa số NLĐ đồng tình và ủng hộ đề xuất của Chính phủ về mở rộng cũng như tăng thời giờ làm thêm. NLĐ cũng cho rằng, việc tăng thời giờ làm thêm sẽ giúp khắc phục khó khăn mà NLĐ và DN đang gặp phải trong bối cảnh hiện nay.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng chỉ ra, trên thực tế, nhu cầu NLĐ làm thêm và nhu cầu người chủ sử dụng lao động mong muốn có được lao động làm thêm là một nhu cầu đã và đang diễn ra. NLĐ mong muốn làm thêm để có thêm thu nhập và người chủ sử dụng lao động mong NLĐ làm thêm để đảm bảo được tiến độ sản xuất kinh doanh của DN. Do đó, cộng đồng DN rất hoan nghênh và mong muốn được thực hiện.

Tăng cường thanh, kiểm tra, phòng ngừa lạm dụng

Nhấn mạnh việc ban hành Nghị quyết quy định thời giờ làm thêm như một giải pháp tình thế và chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn, Ủy ban Xã hội lưu ý, vẫn còn một số quan điểm khác nhau về đề xuất áp dụng thời giờ làm thêm trong 01 năm đối với tất cả các ngành, nghề, công việc và việc nâng giới hạn về thời giờ làm thêm của NLĐ trong tháng.

Theo cơ quan thẩm tra, việc áp dụng mức trần theo đề xuất trong Tờ trình của Chính phủ cho tất cả các ngành, nghề, công việc là quá rộng. Cơ quan soạn thảo chưa cung cấp đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế về tăng thời giờ làm thêm do tác động của dịch Covid-19, chưa đánh giá tác động đầy đủ của việc nâng mức trần này đến sức khỏe, an toàn lao động của NLĐ, đặc biệt là phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi và những người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, việc tăng giờ làm thêm cần bảo đảm thỏa thuận bình đẳng, công khai và sự tự nguyện của NLĐ. Ảnh: quochoi.vn

   
Để bảo đảm sức khỏe, an toàn lao động cho NLĐ, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát các đối tượng nói trên và rà soát các ngành, nghề, công việc, trường hợp khác mà việc tăng mức trần thời giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, không đáp ứng được yêu cầu làm việc… để quy định theo hướng loại trừ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định về việc giới hạn số tháng liên tục được áp dụng mức trần tối đa.

Nêu rõ việc tăng thời giờ làm thêm được dư luận xã hội rất quan tâm, các DN cũng đã có đề nghị từ quý IV/2020 nên cần ban hành Nghị quyết càng sớm càng tốt, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, quy định tăng thời giờ làm thêm phải đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, giữ gìn sức khoẻ bảo đảm lâu dài cho NLĐ và phải trả công xứng đáng cho thời gian làm việc thực tế của NLĐ và quan trọng là NLĐ phải tự nguyện. Do đó, phải đảm bảo thoả thuận bình đẳng, công khai, không được áp đặt.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị, trong quá trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, cơ quan soạn thảo cần lấy ý kiến NLĐ, lắng nghe thêm ý kiến các DN, các cơ quan, tổ chức đại diện cho các hiệp hội ngành nghề,… nhằm có cơ sở thực tiễn để khi ban hành Nghị quyết sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với mong muốn của các DN cũng như NLĐ. Trong Nghị quyết phải ghi rõ là có sự thỏa thuận giữa chủ DN và NLĐ, được sự đồng ý của NLĐ. Đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát để quy định chế độ tiền lương tương xứng với thời gian làm việc bị kéo dài.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật thì kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung những biện pháp mang tính đồng bộ để vừa hỗ trợ cho DN, vừa đảm bảo quyền lợi của NLĐ, như cơ chế phòng ngừa sự lạm dụng, cơ chế bảo đảm an toàn sức khỏe cho NLĐ, chế độ phúc lợi sau khi tăng giờ làm thêm, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.                
   

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị việc thực hiện Nghị quyết cần bảo đảm hài hòa lợi ích, tăng cường chế độ phúc lợi cho NLĐ. Ảnh: quochoi.vn

   
Tiếp thu các ý kiến, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn nâng cao vai trò của công đoàn cơ sở trong việc bảo vệ quyền lợi NLĐ, thúc đẩy việc đàm phán linh hoạt và ký kết thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận bảo đảm phúc lợi cho NLĐ trong quá trình thực hiện Nghị quyết này. Bên cạnh đó, VCCI cần tăng cường tuyên truyền đến giới chủ, các hiệp hội DN, người sử dụng lao động thực hiện nghiêm Nghị quyết này, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động; hỗ trợ và tăng cường các chế độ phúc lợi cho NLĐ để cùng vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.
Đ. KHOA

Cùng chuyên mục
Nâng thời giờ làm thêm: Bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động