Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan tín dụng đen, cho vay lãi suất cao bất hợp pháp trên địa bàn ĐBSCL diễn biến phức tạp. Từ đó, kéo theo các hành vi vi phạm pháp luật như: đòi nợ kiểu đe dọa, khủng bố, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật..., gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng tình hình an ninh, trật tự địa phương.
Vay mượn rồi... bỏ trốn
Sáng sớm, anh V.M.L (ngụ TP Cần Thơ, làm nghề tài xế chạy ô tô dịch vụ) lái xe 7 chỗ chở khách đi tham quan thì nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ.
Do đang cầm lái và nghĩ khách gọi đặt xe nên anh L. bật loa ngoài điện thoại để tiện trao đổi. Đầu bên kia là giọng một người đàn ông vừa tra hỏi vừa hăm dọa, buộc L. và gia đình phải thanh toán ngay số tiền gốc, lãi và "phạt" gần 40 triệu đồng do vợ anh vay trước đó. Sợ làm phiền khách trên xe, anh dịu giọng: "Tôi và vợ đang chờ tòa giải quyết ly hôn. Hơn nữa, cô ấy tự vay tiêu xài cá nhân chứ tôi không liên quan. Anh cứ tìm cô ấy mà đòi".
Nói xong, anh L. vội tắt máy nhưng không khỏi lo lắng. Vài giây sau, điện thoại của anh nhận được tin nhắn và hình ảnh người vợ, kèm theo lời đe dọa trả tiền theo kiểu "... đừng để mất thời gian, tiền bạc và danh dự...".
Trao đổi với phóng viên, L. cho biết anh quyết định nộp đơn ra tòa xin ly hôn do vợ không chịu làm ăn mà suốt ngày lên mạng tìm chỗ vay tiền để tiêu xài hoang phí rồi bắt chồng trả nợ hết lần này đến lần khác. Thậm chí, cô ta còn trốn nợ rồi bỏ mặc 3 con nhỏ cho anh nuôi dưỡng.
"Tôi không thể chịu đựng được nữa nên đành phải xin ly hôn, dù biết rằng bản thân sẽ rất khó khăn trong việc nuôi dạy 3 con nhỏ trong thời gian tới. Cũng may, gia đình bên nội phụ gồng gánh chăm sóc các cháu nên tôi yên tâm chạy xe kiếm tiền, vơi đi phần nào gánh nặng" - anh L. đượm buồn.
Thời gian qua, tín dụng đen đã gây ra hàng loạt hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân và làm xấu đi tình hình an ninh, trật tự địa phương. Khi đã trở thành con nợ của tín dụng đen, cuộc sống nhiều người lâm vào bế tắc. Khi người vay không còn khả năng trả nợ, các đối tượng cho vay dùng mọi thủ đoạn - từ việc đưa thông tin, hình ảnh với nội dung mang tính chất đe dọa, khủng bố, xúc phạm nhân phẩm, danh dự lên mạng xã hội đến chuyện dùng điện thoại quấy rối, thuê người đến nhà đập phá, tạt sơn, ném chất bẩn, bắt giữ người trái pháp luật... - để gây sức ép.
Nạn nhân của các đối tượng cho vay tín dụng đen không chỉ là người làm ăn thua lỗ hay có hoàn cảnh khó khăn mà còn là những kẻ ham mê cờ bạc. Trong đó, không ít người dù biết rằng khi vay mượn sẽ khó có khả năng trả nợ nhưng vẫn dính vào, rốt cuộc phải bỏ trốn.
Trường hợp một công nhân trong Khu Công nghiệp Long Giang, tỉnh Tiền Giang mới đây đã cho thấy điều đó. Do cần tiền tiêu xài, thanh niên này đã vay của 3 đối tượng cư trú trên địa bàn 2 huyện Tân Phước và Cái Bè, tỉnh Tiền Giang hơn 160 triệu đồng nhưng không trả nổi, phải bỏ trốn. Vừa qua, thanh niên này đã bị 3 đối tượng cho vay phát hiện, khống chế, cưỡng đoạt 5 triệu đồng; đồng thời đưa về nhà đánh đập, ép buộc viết giấy nợ 247 triệu đồng.
Tuyên truyền, trấn áp
Theo Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Trà Vinh, các đối tượng tín dụng đen đã có dấu hiệu câu kết với một số kẻ ở nước ngoài, hoạt động liên quan nhiều tỉnh, thành.
Theo điều tra và thống kê của công an, tại Trà Vinh, 53,6% người vay tín dụng đen là lao động tự do hoặc không nghề nghiệp. Việc vay tiền chủ yếu là để tiêu xài cá nhân (35,3%), sinh hoạt gia đình (29,2%), trả nợ (19,5%), đánh bạc (7,3%)…
Trong đợt cao điểm giáp Tết, Công an tỉnh Trà Vinh đã lồng ghép tuyên truyền 3.913 cuộc, với gần 15.000 người tham dự; cấp phát 45.129 tờ rơi, tờ gấp về tình hình, tác hại của việc vay tiền dưới hình thức tín dụng đen; phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua việc huy động vốn tự phát; các hành vi đòi nợ trái pháp luật, ứng dụng vay tiền online… Công an tỉnh Trà Vinh kỳ vọng người dân không tham gia và tích cực tố giác hành vi vi phạm pháp luật liên quan tín dụng đen.
Tại Tiền Giang, công an cũng đang tập trung đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động tín dụng đen trong thời gian tới, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Thượng tá Nguyễn Văn Công, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ công an tỉnh và công an các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân chỉ nên tiếp cận những tổ chức tín dụng hợp pháp, cho vay với lãi suất phù hợp để có khả năng trả nợ.
Công an tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục rà soát, lên danh sách các đối tượng có biểu hiện cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự để tập trung áp dụng nhiều biện pháp đấu tranh, trấn áp mạnh mẽ; củng cố tài liệu, chứng cứ, xử lý nghiêm theo quy định nhằm bảo đảm tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Công an tỉnh Bạc Liêu cũng đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm tín dụng đen để người dân hiểu và nâng cao cảnh giác. Bên cạnh đó, công an tỉnh mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan hoạt động tín dụng đen. Ngoài ra, lực lượng công an còn tăng cường kiểm tra những cơ sở kinh doanh tài chính, cầm đồ; rà soát các ngành nghề kinh doanh thường được đối tượng tội phạm tín dụng đen lợi dụng, núp bóng hoạt động.
Tại Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh cũng vừa có công văn chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc tăng cường những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen trên địa bàn. Lãnh đạo tỉnh Cà Mau yêu cầu LĐLĐ tỉnh nắm chắc tình hình hoạt động tín dụng đen liên quan đến công nhân; thường xuyên tuyên truyền thủ đoạn của những tổ chức, cá nhân cho vay lãi nặng để người lao động nâng cao nhận thức, có ý thức cảnh giác… Song song đó, tạo điều kiện để người lao động tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, an toàn để phát triển kinh tế.
Trong khi đó, đại tá Nguyễn Văn Hận, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, cho biết công an tỉnh đã mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan hoạt động tín dụng đen trên địa bàn. Công an sẽ ngăn chặn, cắt đứt "vòi bạch tuộc" của các nhóm tội phạm đang len lỏi đến những người đang gặp khó khăn, nhất là người lao động trong dịp Tết.
Công an tỉnh Kiên Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện Công điện 766 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen. Nội dung này gắn với việc thực hiện tốt nhiệm vụ của từng ngành được giao tại Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan hoạt động tín dụng đen.
Nhiều mô hình thiết thực
Theo bà Nguyễn Lê Linh Châu, Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh An Giang, hằng năm, LĐLĐ tỉnh đều phối hợp với Công an tỉnh tuyên truyền về những mối nguy hiểm của hoạt động tín dụng đen trong nhân dân và người lao động. "Nhờ được tuyên truyền mà công nhân, người lao động hiểu hơn về hoạt động tín dụng đen. Tuy nhiên, vấn đề là cần giúp công nhân, người lao động vay vốn thông qua Tổ chức Tài chính vi mô CEP. Bởi lẽ, khi có khoản vay để kịp thời vượt qua khó khăn thì công nhân, người lao động mới có thể tránh xa tín dụng đen" - bà Châu nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Cao Thị Tuyết Hương - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 3, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long - cho biết hội thường xuyên tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho chị em không được vay nóng ở bên ngoài nhằm tránh ảnh hưởng về sau. Hiện nay, Hội Phụ nữ phường 3 có nhiều mô hình thiết thực, như: góp vốn xoay vòng, phụ nữ tiết kiệm, tín dụng do phụ nữ tự quản... Những mô hình này đã giúp nhiều chị em có nguồn vốn để buôn bán nhỏ, làm ăn, sinh sống và tránh xa tín dụng đen.