
Phần lớn ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng dương
Báo cáo tài chính quý I/2025 của các ngân hàng cho thấy tổng lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán đạt 82.531 tỷ đồng, tăng 14,48% so với cùng kỳ năm 2024. Không có ngân hàng nào bị lỗ trong quý đầu năm nay. 22 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương, chỉ 5 ngân hàng có lợi nhuận sụt giảm.
Dẫn đầu hệ thống là Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với mức lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt 10.859 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp theo là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) có lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 8.386 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo sát MB là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I/2025 đạt 7.413 tỷ đồng, tăng 0,31% so với cùng kỳ.
Xét về giá trị tuyệt đối, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) là nhà băng tăng trưởng mạnh nhất khi tăng thêm 2.844 tỷ đồng so với cùng kỳ, theo sau là MB (tăng 2.591 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh - HDBank (tăng 1.327 tỷ đồng).
Về tăng trưởng tương đối, Top 3 lần lượt thuộc về: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) với mức lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt 248 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ, tăng tới 238% so với quý I/2024. SeaBank có lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt 4.350 tỷ đồng, tăng gần 189% so với cùng kỳ 2024 và là mức lợi nhuận theo quý cao nhất lịch sử hoạt động của Ngân hàng này. Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đạt mức lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng, tăng 125% so với cùng kỳ năm trước.
Những con số lợi nhuận quý I mà các ngân hàng vừa công bố cũng phù hợp với kết quả điều tra mới nhất của Ngân hàng Nhà nước khi phần lớn các tổ chức tín dụng đều lạc quan về tình hình kinh doanh trong quý I và cả năm 2025. Có 74,6 - 84,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2025. Ngoài ra, 85,1% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2024.
Theo chia sẻ của các ngân hàng, lợi nhuận tăng chủ yếu đến từ việc ngân hàng giảm khá mạnh chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ, phát triển mảng ngân hàng số, giúp mở rộng tiếp cận khách hàng trẻ và tăng trưởng tín dụng.
Tận dụng yếu tố thuận lợi, hóa giải thách thức
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2025, các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI đánh giá, tăng trưởng tín dụng ổn định, chất lượng tài sản phục hồi, nguồn cung bất động sản dồi dào và thu ngoài lãi tăng trở lại... sẽ góp phần cải thiện hoạt động các ngân hàng trong năm 2025. SSI dự báo lợi nhuận trước thuế của ngành ngân hàng trong năm 2025 sẽ tăng trưởng 17,4%.
Tương tự, ông Trần Minh Hoàng - Giám đốc Phân tích & Nghiên cứu, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) - nhận định, 4 yếu tố chính tác động đến lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2025, bao gồm: tín dụng, chất lượng tài sản, thu nhập ngoài lãi và tối ưu hóa chi phí.
Trong đó, theo ông Hoàng, tín dụng kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt với sự hỗ trợ đến từ mặt bằng lãi suất thấp và nền kinh tế có những diễn biến thuận lợi hơn. Nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ cao sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn so với trung bình ngành nhờ sự phục hồi của cầu tiêu dùng trong năm nay. Ngoài ra, những ngân hàng có lợi thế về CASA (tiền gửi không kỳ hạn) và linh động trong hoạt động huy động vốn, có nhiều dư địa để gia tăng nguồn huy động vốn ngắn hạn sẽ tối ưu hóa được chi phí vốn, qua đó cải thiện được lợi nhuận.
Kết quả kinh doanh quý I/2025 cùng với những phân tích, dự báo tích cực từ các tổ chức, chuyên gia là cơ sở để các ngân hàng đưa ra kế hoạch kinh doanh với mục tiêu và kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng cao. Đơn cử, VietBank mới đây công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025 với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 1.750 tỷ đồng, tăng 55% so với mức đạt được của năm 2024 (1.131 tỷ đồng). Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã trình cổ đông thông qua chỉ tiêu lợi nhuận năm nay ở mức 5.000 tỷ đồng trước thuế, tăng 10% so với năm 2024.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2025 với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm ngoái. Năm 2025, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm trước…
Theo PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính, ngân hàng, với khởi đầu thuận lợi, triển vọng ngành ngân hàng năm 2025 được đánh giá cao. Tuy nhiên, nhiều rủi ro vẫn tiềm ẩn và để duy trì đà tăng trưởng, các ngân hàng cần củng cố nội lực, nâng cao quản trị rủi ro, tăng cường năng lực tài chính và đa dạng hóa kênh huy động vốn trung - dài hạn.
Tuy vậy, để có thể thực hiện được các mục tiêu trên, các ngân hàng phải vượt qua không ít thách thức. Theo nhóm phân tích KBSV, tín dụng có thể chịu ảnh hưởng do tỷ trọng cho vay với hoạt động công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh xuất nhập khẩu và tiêu dùng bán lẻ bị ảnh hưởng gián tiếp từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng có thể được bù đắp từ sự đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các thị trường khác; việc đẩy mạnh tín dụng cho các lĩnh vực trọng điểm khác như bất động sản, đầu tư công. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất nỗ lực duy trì ở mức thấp cùng một số yếu tố hỗ trợ khác cũng sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng.
Một thách thức khác ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng được nhóm phân tích KBSV và chuyên gia của VCBS chỉ ra là rủi ro nợ xấu gia tăng, nhất là đối với những ngân hàng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu cao và tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp hơn mức trung bình ngành. Dù vậy, theo KBSV, các ngân hàng vẫn còn dư địa để xử lý nợ, kỳ vọng luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng giúp giảm nợ xấu toàn hệ thống./.