Ngành nông nghiệp vượt khó, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế

NGUYỄN LỘC (thực hiện) | 17/10/2024 08:32

(BKTO) - Nhờ đổi mới tư duy sản xuất gắn với thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn để khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã trao đổi với Báo Kiểm toán về những kết quả ấn tượng trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu và nỗ lực của ngành nông nghiệp để hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất.

12.jpg
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Ảnh: ST

Thưa ông, ngành nông nghiệp đến nay vẫn là điểm sáng của nền kinh tế với những kết quả đạt được rất ấn tượng. Xin ông chia sẻ về những kết quả nổi bật của ngành vừa qua?

Sản xuất nông, lâm, thủy sản 9 tháng chịu tác động của dịch bệnh, hạn hán, biến động thị trường. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng toàn Ngành đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vừa qua, cơn bão số 3 và mưa lũ đã gây thiệt hại nghiêm trọng, song tốc độ tăng trưởng chung toàn ngành 9 tháng đầu năm vẫn đạt mức 3,2%; đồng thời duy trì tăng trưởng, phát triển trên tất cả các tiểu ngành, lĩnh vực; góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm tốt cung ứng hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tính chung trong 9 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản là 46,28 tỷ USD (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023); nhập khẩu 32,42 tỷ USD, xuất siêu 13,86 tỷ USD, tăng 71,2% và duy trì xuất siêu trung bình mỗi tháng trên 1,5 tỷ USD. Những kết quả này được đánh giá là rất ấn tượng, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới còn phải đối diện với nhiều thách thức.

Đặc biệt, việc triển khai các đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu) từ cuối năm 2023, kết hợp triển khai các giải pháp mở cửa thị trường, tìm kiếm, ký kết các đơn hàng mới năm 2024 đã mang lại hiệu quả tích cực. Nông sản Việt Nam ngày càng được ưa chuộng, cũng như khẳng định thương hiệu ngay tại các thị trường khó tính.

Những kết quả đạt được nêu trên, một phần quan trọng là nhờ toàn ngành nỗ lực chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Xin ông có thể thông tin thêm về vấn đề này?

Hiện nay, toàn ngành nông nghiệp thống nhất từ tư tưởng đến hành động, thực hiện chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.

Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, ngành nông nghiệp đã thực hiện chuyển đổi tư duy từ lấy sản lượng sang lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu; từ tăng sản lượng sang tăng giá trị, chuyển đổi sang sản xuất theo nhu cầu của thị trường; chuyển đổi theo hướng khai thác đa tầng, đa giá trị trên một diện tích đất. Nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao hơn; áp dụng các giải pháp cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật, sử dụng giống lúa chất lượng cao nên năng suất lúa bình quân tăng 0,5 tạ/ha.

Trong chăn nuôi, nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ có hiệu quả kinh tế cao được phát triển; hình thành các chuỗi giá trị liên kết, ngành hàng, bao gồm các chuỗi: Doanh nghiệp - trại chăn nuôi, doanh nghiệp - hợp tác xã để giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng. Cả nước có 17 địa phương có mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ với quy mô nuôi trên 75 nghìn con; sản lượng thịt hơi gần 7.000 tấn.

Ngành lâm nghiệp đã chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị đa dụng của rừng. Đến nay có gần 600 nghìn ha được cấp chứng chỉ rừng bền vững; nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng tăng, đây là nguồn lực tài chính quan trọng, góp phần giúp cải thiện thu nhập cho các ban quản lý rừng, người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc, vùng núi. Tương tự, trong lĩnh vực thủy sản, ngành đã tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng hóa, sản xuất những sản phẩm mang đặc thù, kết hợp với nhiều lĩnh vực, ngành nghề tạo thành liên kết chuỗi giá trị theo thế mạnh của từng địa phương.

Thực tiễn cho thấy, nông nghiệp chịu tác động rất lớn từ thiên tai. Bộ có giải pháp gì để trước hết là hỗ trợ người dân sớm ổn định sản xuất sau bão lũ; đồng thời hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai trong thời gian tới, thưa ông?

Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, song cũng thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, cũng như chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, gây thiệt hại lớn hằng năm. Đơn cử vừa qua, cơn bão số 3 gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội của các tỉnh miền núi phía Bắc. Ước tính thiệt hại trên 80.000 tỷ đồng, trong đó ngành nông nghiệp chiếm khoảng 30%…

Để giải quyết hậu quả của bão lũ một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất, ngoài việc thực hiện các chính sách chung theo chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết số 143/NQ-CP, ngày 27/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã kịp thời đến các địa phương chịu ảnh hưởng của bão lũ ngay thời điểm trong, sau bão lũ để nắm tình hình và có văn bản chỉ đạo các tỉnh về kế hoạch phục hồi. Đồng thời, Bộ đã tổ chức các hội nghị chuyên sâu, để huy động thêm các nguồn lực hỗ trợ phục hồi sản xuất.

Đơn cử, về trồng trọt, đã có hội nghị về cây trồng chuẩn bị cho vụ Đông Xuân và vụ Đông, cũng như chuẩn bị thuốc bảo vệ thực vật, quy trình canh tác, bảo vệ đồng ruộng và hỗ trợ người dân tái sản xuất. Về thủy sản và chăn nuôi, trên cơ sở khảo sát các địa phương, Bộ đã tổ chức một hội nghị tại Hải Phòng, qua đó huy động được gần 200 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ thêm cho các hợp tác xã, nông dân, ngư dân khắc phục khó khăn sau thiệt hại của bão lũ…

Trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu với những diễn biến khó lường của thiên tai, các ngành chức năng cần tăng cường công tác dự báo, gắn với việc chủ động, sẵn sàng ứng phó thiên tai. Trong đó, trọng tâm là hoàn thành tu bổ, nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng công trình thủy lợi thường xuyên, đặc biệt là trước mùa mưa, lũ. Đây cũng là lĩnh vực được ưu tiên trong các nhiệm vụ nghiên cứu, đầu tư xây dựng cơ bản của ngành nông nghiệp để thông qua đó giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của bão lũ đến đời sống, sản xuất của người dân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Cùng chuyên mục
  • Sửa các luật về đầu tư: Không tạo thêm khó khăn, bất lợi cho người dân, doanh nghiệp
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và Luật Đấu thầu (Luật sửa 4 luật) cần đảm bảo tính khả thi, không để xảy ra tình trạng sửa đổi nhưng lại tạo các khó khăn, vướng mắc, bất cập mới hoặc gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước và gây bất lợi cho người dân, doanh nghiệp.
  • Cho vay liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao với lãi suất thấp
    một tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Văn bản số 8364/NHNN-TD hướng dẫn một số nội dung để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức triển khai cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao.
  • Doanh nghiệp bao bì đứng trước cơ hội lớn
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Tiềm năng của ngành bao bì tại Việt Nam rất lớn, đặc biệt khi tiêu dùng trong nước phục hồi và xuất khẩu bao bì đang trên đà phát triển mạnh mẽ, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
  • Quy định mới về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí
    một tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí gồm tiền và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư, bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay tại Việt Nam chuyển ra nước ngoài, chi phí thu hồi, lợi nhuận và các khoản được chia từ dự án dầu khí ở nước ngoài được giữ lại để thực hiện đầu tư ở nước ngoài.
  • Nguy cơ vỡ nợ quốc gia tăng cao trong thập kỷ tới
    một tháng trước Tài chính
    (BKTO) - Theo báo cáo Giám sát Tài chính mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng nợ công toàn cầu dự kiến sẽ vượt mốc 100.000 tỷ USD lần đầu tiên trong năm nay, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại.
Ngành nông nghiệp vượt khó, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế