Ngành Sư phạm cần tận dụng thời cơ, tiếp tục đổi mới hơn nữa vì sự nghiệp “trồng người”

(BKTO) - Từ năm học 2021-2022, sinh viên sư phạm sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, cùng những cam kết mạnh mẽ về tương lai nghề nghiệp, chỉ với điều kiện: Phải học tập tốt và gắn bó với ngành Giáo dục. Ngoài sinh viên, các cơ sở đào tạo sư phạm (gọi chung là trường sư phạm) cũng được hưởng lợi từ các chính sách này, khi thí sinh đăng ký vào ngành Sư phạm tăng mạnh. Do đó, các trường cần tận dụng cơ hội này để đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, xây dựng uy tín, thương hiệu của nhà trường với xã hội, với người học.



Cờ đã đến tay...

Số lượng thí sinh đăng ký gấp nhiều lần chỉ tiêu; điểm chuẩn nhiều ngành đào tạo giáo viên đều tăng, có ngành có mức điểm trúng tuyển rất cao cho thấy sự cạnh tranh mạnh mẽ trong ngành này.... đó là những tín hiệu vui của đào tạo sư phạm.

Theo thống kê của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tại thời điểm thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng trước khi diễn ra kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, lần đầu tiên sau rất nhiều năm, số nguyện vọng đăng ký vào ngành Sư phạm tăng gấp 2,5 lần so với năm trước.

PGS,TS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH dự đoán, năm nay, tỷ lệ nhập học vào ngành Sư phạm có thể vào khoảng 40 - 50 nghìn sinh viên, đạt từ 50 - 60% tổng chỉ tiêu, so với con số gần 36 nghìn sinh viên năm2020.

Theo PGS,TS. Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, dữ liệu đăng ký vào ngành Sư phạm năm nay đã tăng nhiều so với các năm trước và điểm sàn vào sư phạm cũng tăng đã cho thấy những tín hiệu khả quan và tươi sáng.
                
   

Đào tạo sư phạm đang có nhiều cơ hội để phát triển. Ảnh: N.LỘC

   

Đây cũng là nhận định được GS,TS. Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra. Theo GS,TS. Nguyễn Quý Thanh, dựa trên số hồ sơ đăng ký ban đầu và dữ liệu để xét lọc ảo vừa qua của Trường cho thấy, lượng thí sinh đăng ký vào các ngành Sư phạm của Trường cao hơn hẳn các ngành khác.

Với các trường sư phạm, kết quả này là nằm trong dự đoán. Bởi từ năm học 2021-2022, sinh viên theo học ngành Sư phạm sẽ được hưởng nhiều ưu đãi mới theo Nghị định số 116/2020-NĐ-CP về chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm; cũng như có thể được bố trí việc làm mà không phải lo tìm việc làm như trước đây...

“Điều này cho thấy, việc Chính phủ ban hành chính sách về đặt hàng đào tạo giáo viên, hỗ trợ sinh viên sư phạm, đảm bảo đầu ra sau tốt nghiệp cũng đã mang lại thêm sức hút cho ngành Sư phạm” - PGS,TS. Nguyễn Thu Thủy cho biết.

Cần chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, trong điều kiện rất thuận lợi như hiện nay, mỗi cơ sở đào tạo, mỗi người học cần phải ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình để xứng đáng với kỳ vọng. Theo đó, các trường cần phải đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và đánh giá để sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu, trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ tiểu học đến trung học phổ thông.
                
   

Một hội thi nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên của Trường ĐH Giáo dục - hoạt động được nhà trường rất chú trọng. Ảnh: N.LỘC

   

Là một trong những cơ sở đào tạo giáo viên hàng đầu trong nước hiện nay, lãnh đạo Trường ĐH Giáo dục cũng cho biết, với những thế mạnh về nghiên cứu khoa học và công nghệ dạy học, Trường xây dựng một số chương trình đào tạo mới, đã trang bị những yếu tố cần thiết cho các em để trong khi thực hiện bài giảng, đội ngũ giáo viên tương lai có thể ứng dụng nhuần nhuyễn công nghệ vào bài giảng, trên nền tảng kiến thức và phương pháp sư phạm đã được học.

Đặc biệt, sau khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được ban hành, Trường đã rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; đồng thời đặc biệt chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên.

Theo PGS,TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, Nhà trường đã thực hiện rà soát các học phần nhằm điều chỉnh, cập nhật vấn đề mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào đề cương chi tiết của các học phần, đặc biệt là về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, với nguồn đầu vào ngành Sư phạm tương đối chất lượng như năm nay, cộng với tâm thế của sinh viên khi lựa chọn ngành học, việc đào tạo sư phạm vì thế cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nhiệm vụ của trường sư phạm trong bối cảnh mới không chỉ là trao truyền tri thức, kỹ năng, phương pháp cho sinh viên, mà điều quan trọng không kém, đó là cần bồi dưỡng lý tưởng, nhân lên tình yêu nghề cho đội ngũ nhà giáo tương lai để các em đam mê, gắn bó với nghề.

Có thể thấy, trong bối cảnh kỳ vọng vào ngành Sư phạm đang tăng lên, với những thuận lợi cả về mặt chính sách lẫn thực tiễn, các trường sư phạm cần nỗ lực hơn nữa để thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn giáo viên chất lượng, phục vụ cho sự nghiệp “trồng người” của đất nước.
         
Năm nay, điểm chuẩn của nhóm ngành Sư phạm đều ở mức cao và tăng so với năm ngoái. Đơn cử ngành Giáo dục Đặc biệt (Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) có điểm chuẩn là 23,4 cao hơn 4,4 điểm; ngành Giáo dục Mầm non (Trường ĐH Sài Gòn) có điểm trúng tuyển là 21,6 (cao hơn 3,1 điểm); ngành Sư phạm tiếng Anh, Sư phạm Toán học, Giáo dục Chính trị (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đều có điểm trúng tuyển trên 28 điểm; ngành Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Giáo dục) có điểm chuẩn là 27,6 điểm...
NGUYỄN LỘC

Cùng chuyên mục
Ngành Sư phạm cần tận dụng thời cơ, tiếp tục đổi mới hơn nữa vì sự nghiệp “trồng người”