Ngành thuế cần đẩy mạnh hơn việc cung cấp dịch vụ thuế điện tử

(BKTO) - Hiện nay, việc phát triển dịch vụ thuế điện tử (TĐT) là xu hướng tất yếu không chỉ riêng ở Việt Nam mà với tất cả các quốc gia trên thế giới. Đứng trước bối cảnh công nghệ số bùng nổ, thời gian qua, ngành thuế đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ TĐT với nhiều hình thức rất đa dạng, phong phú, qua đó mang lại hiệu quả khá tích cực, được cộng đồng DN cũng như các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, ngành thuế vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp dịch vụ TĐT để phát huy vai trò của dịch vụ thuế trong quản lý thuế.



Tín hiệu tích cực từ việc đẩy mạnh dịch vụ thuế điện tử

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 (Doing Business 2020) do Ngân hàng Thế giới công bố mới đây, Việt Nam xếp thứ 70 trong tổng số 190 nền kinh tế trên toàn thế giới. Thứ hạng này tuy sụt giảm một bậc so với năm ngoái nhưng điểm số lại được cải thiện, từ 68,6 lên 69,8/100 điểm. Đặc biệt, nhờ được đánh giá cao ở việc nâng cấp hạ tầng thông tin của Tổng cục Thuế, hỗ trợ DN nộp thuế dễ dàng hơn, chỉ số nộp thuế của Việt Nam có điểm tăng mạnh, từ 62,9 lên 69 điểm, đưa Việt Nam từ vị trí thứ 131 lên xếp thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia được đánh giá.

Theo Tổng cục Thuế, đến nay, 63/63 cục thuế đã triển khai dịch vụ nộp TĐT. Ảnh: Phạm Tuân

Theo các chuyên gia, việc tăng bậc chỉ số nộp thuế đã phản ánh ghi nhận của Ngân hàng Thế giới về các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam trong lĩnh vực thuế. Để cắt giảm số giờ nộp thuế, các chính sách cải cách của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc đơn giản hóa các thủ tục, mà còn có sự thay đổi về quy định, xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng hệ thống thông tin để đẩy mạnh việc áp dụng kê khai, nộp TĐT, cũng như hóa đơn điện tử. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, khuyến khích người nộp thuế ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực kế toán và thuế đóng vai trò rất quan trọng.

Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển dịch vụ TĐT và dịch vụ hải quan điện tử ở Việt Nam”, bà Hoàng Thị Lan Anh - Phó Ban Cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế - cho biết: Đến cuối năm 2018, hệ thống kê khai TĐT đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Hiện nay, cả nước có 99,93% DN đang hoạt động sử dụng dịch vụ khai TĐT; số lượng hồ sơ khai TĐT đã tiếp nhận trong năm là trên 11,8 triệu hồ sơ.

Việc triển khai nộp TĐT của cơ quan thuế được thông qua kênh chính là kênh ngân hàng thương mại. Theo đó, Tổng cục Thuế đã triển khai chính sách kết nối với các ngân hàng thương mại bắt đầu từ năm 2013 và đến năm 2018 đã phát triển kết nối với 50 ngân hàng thương mại. Đến nay, 63/63 cục thuế đã triển khai dịch vụ nộp TĐT và tuyên truyền, vận động DN tham gia sử dụng dịch vụ. Số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp TĐT với cơ quan thuế đạt tỷ lệ 98,19% trong năm 2018. Số lượng DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng đạt 96,42% trên tổng số DN đang hoạt động, với số tiền đã nộp NSNN trong năm 2018 là gần 657.000 tỷ đồng (hơn 3,1 triệu giao dịch nộp TĐT).

Phát triển dịch vụ phù hợp với từng đối tượng nộp thuế

Theo đại diện của Tổng cục Thuế, mặc dù kết quả đạt được là khá tích cực nhưng trong quá trình triển khai, dịch vụ TĐT vẫn đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, như: tâm lý lo ngại về mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ TĐT dẫn đến việc nhiều người vẫn lựa chọn cách truyền thống, đến trực tiếp cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục hành chính; trình độ hiểu biết của người nộp thuế là cá nhân kinh doanh hay cá nhân phát sinh thu nhập còn hạn chế, chưa từng tiếp xúc công nghệ thông tin, khả năng sử dụng, cập nhập internet còn thấp, do đó có khó khăn, trở ngại khi sử dụng dịch vụ TĐT...

Để khắc phục những khó khăn nêu trên, trong thời gian tới, ngành thuế sẽ tăng cường đầu tư công nghệ, xây dựng kho cơ sở dữ liệu được mã hóa, cấp phép truy cập, nhằm đảm bảo an toàn và bí mật thông tin người dùng cũng như trang thông tin điện tử trong quá trình khai thác, vận hành. Đồng thời, ngành cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức cho cá nhân kinh doanh hay cá nhân phát sinh thu nhập trong việc thực hiện dịch vụ TĐT; xây dựng trung tâm hỗ trợ dịch vụ thuế (Call center) ngoài chức năng giải đáp những vướng mắc về chính sách, có thể hướng dẫn, hỗ trợ cho nhóm đối tượng người nộp thuế này trong việc tiếp cận sử dụng dịch vụ thuế được thuận tiện.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng sẽ thanh tra, kiểm tra thường xuyên, định kỳ quá trình phát triển dịch vụ TĐT để có thể phát hiện những thiếu sót của các quy trình điện tử trong hoạt động của nội bộ cơ quan thuế hoặc những sai phạm trong các giao dịch điện tử; có thể dự đoán được các rủi ro sẽ xảy ra, từ đó tìm các biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa. Ngoài ra, cơ quan thuế sẽ xây dựng kế hoạch hằng năm để khảo sát sự hài lòng của người nộp thuế về sử dụng dịch vụ TĐT, qua đó nắm bắt những phản hồi cần thiết cho cải thiện và nâng cấp chất lượng dịch vụ, xây dựng thái độ tích cực của người nộp thuế khi phát triển dịch vụ TĐT.

Cũng tại Hội thảo “Phát triển dịch vụ TĐT và dịch vụ hải quan điện tử ở Việt Nam”, PGS,TS. Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính - cho rằng: để dịch vụ TĐT thực sự phát huy hiệu quả, cơ quan quản lý thuế cần làm rõ những vấn đề lý luận căn bản về dịch vụ TĐT như: phải phân loại được các dịch vụ TĐT, vai trò của dịch vụ TĐT, các nhân tố ảnh hưởng đến dịch vụ TĐT và các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển của dịch vụ TĐT…

Theo đó, căn cứ vào chủ thể cung cấp, dịch vụ thuế cần được phân loại thành dịch vụ công và dịch vụ tư. Dịch vụ thuế công do cơ quan quản lý thuế cung cấp, còn dịch vụ thuế tư do các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thuế cung cấp. Với cách phân loại này, dịch vụ thuế tư có liên quan trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước, DN mua dịch vụ và bản thân DN cung cấp dịch vụ thuế. Do đó, dịch vụ thuế tư phải được coi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cần một khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý hoạt động kinh doanh này.

Dựa vào nội dung dịch vụ, dịch vụ thuế được chia thành: dịch vụ làm thủ tục thuế (đăng ký thuế thuê, khai thuế thuê…) và dịch vụ tư vấn thuế (giảng dạy, giới thiệu pháp luật thuế, hướng dẫn làm thủ tục thuế, kế toán thuế và xây dựng kế hoạch thuế). Từ cách phân loại này, tùy theo đặc điểm tình hình sản xuất, quy mô kinh doanh, điều kiện, hoàn cảnh và khả năng của từng người mà mỗi tổ chức, cá nhân có nhu cầu về các loại dịch vụ thuế khác nhau. Chẳng hạn như, những cơ sở kinh doanh nhỏ thì thường có nhu cầu về dịch vụ làm thủ tục thuế, còn những DN lớn thì có nhu cầu cao về dịch vụ xây dựng kế hoạch thuế. Như vậy, dịch vụ về thuế là rất cần thiết và nên được phát triển theo hướng phù hợp với từng loại hình, đối tượng nộp thuế.

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Ngành thuế cần đẩy mạnh hơn việc cung cấp dịch vụ thuế điện tử