Ngày Dân số Thế giới (11/7): Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững

(BKTO) - Với chủ đề “Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững”, Ngày Dân số thế giới (11/7) năm nay tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương hướng đến đẩy mạnh các hoạt động nhằm đảm bảo và tăng cường tiếp cận toàn dân tới các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình - một trong những can thiệp y tế công cộng có chi phí hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ tử vong và mắc bệnh của bà mẹ, giúp cải thiện sự công bằng, bình đẳng và trao quyền cho phụ nữ.



Theo đánh giá của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), trong 4 thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc cải thiện hệ thống cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình. Tổng tỷ suất sinh đã giảm, từ mức mỗi cặp vợ chồng có tới 5 con vào những năm 1970, đến năm 2016, tỷ lệ này đã ở mức sinh thay thế là 2,09 con. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 37% trong năm 1988 lên 67% trong năm 2016. Các chỉ số sức khỏe như tử vong mẹ đã giảm từ 233/100.000 vào những năm 1990 xuống đến 69/100.000 năm 2009, và đã giảm xuống 58.3/100.000 vào năm 2015.

         
Giải quyết đầy đủ nhu cầu chưa được đáp ứng về các biện pháp tranh thai có thể giúp phòng tránh đến 70% các trường hợp có thai ngoài ý muốn và giúp giảm tỷ lệ chết mẹ và trẻ sơ sinh. Đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại sẽ giảm 74% tổng số ca có thai ngoài ý muốn (giảm từ 32,2 triệu ca xuống 8,5 triệu ca).
Các kết quả của công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân.
“Đầu tư vào các chương trình dân số - kế hoạch hoá gia đình đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội và tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần quan trọng vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo”- Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết.

Kết quảNghiên cứu đánh giá chất lượng Kế hoạch hóa gia đình Việt Namdo Bộ Y tế và UNFPA phối hợp thực hiện và công bố mới đây cho thấy, có 80,5% phụ nữ kết hôn trong độ tuổi 15 - 49 đang sử dụng một biện pháp tránh thai nào đó, trong đó, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 64,4%. Đặt vòng tránh thai là biện pháp phổ biến nhất (25,2%), tiếp theo là thuốc tránh thai (19,3%) và bao cao su (13,3%).

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy một số người dân vẫn thực hành các biện pháp tránh thai truyền thống, ít sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Đáng chú ý, tổng tỷ suất phá thai ở Việt Nam hiện nay là 0,42, có nghĩa là cứ 5 phụ nữ thì có 2 người đã từng phá thai ít nhất một lần trong toàn bộ giai đoạn sinh sản. Khoảng 17,4% phụ nữ đã từng phá thai trong cuộc đời của mình.


Toạ đàm về dân số - kế hoạch hoá gia đình tại Lễ Mít tinh - Ảnh: Đ. Khoa
Bên cạnh đó, nhu cầu về các biện pháp tránh thai hiện đại trong nhóm dân số trẻ chưa kết hôn hiện vẫn đang ở mức cao; vẫn còn nhiều “khoảng trống” trong công tác cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho thanh niên và vị thành niên…

Từ kết quả nghiên cứu, Báo cáo đã đưa ra những khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng kế hoạch hoá gia đình tại Việt Nam. Trong đó, tập trung vào việc tổ chức các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi mạnh mẽ, khuyến khích nam giới tham gia vào kế hoạch hóa gia đình để tăng cường việc sử dụng các biện pháp tránh thai dành cho nam giới; xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả nhằm giảm thiểu sử dụng phương pháp truyền thống và tăng cường sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; tiếp tục mở rộng phạm vi lựa chọn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng... Đồng thời, nâng cao vai trò của các cộng tác viên dân số trong việc cung cấp các phương pháp tránh thai; xây dựng các hướng dẫn quốc gia về giám sát và kỹ thuật cho các nhà cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình...

Các chuyên gia y tế đã khẳng định, việc cung cấp các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình tự nguyện, bao gồm thông tin, tư vấn và cung cấp các phương tiện tránh thai chính là một trong những biện pháp y tế công cộng mang lại hiệu quả nhất với chi phí thấp nhất. Công tác này sẽ mang lại những lợi ích trực tiếp trong việc giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và bệnh tật ở người mẹ; đồng thời góp phần đảm bảo rằng mỗi cá nhân, cộng đồng và quốc gia có thể tự tạo ra những lợi ích tốt nhất cho chính mình.
         
Sáng 11/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với UNFPA tổ chức Lễ Mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên kỷ niệm Ngày Dân số thế giới cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Việt Nam.
   
   Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh: Để thiết thực hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới năm nay, Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục hỗ trợ cho các ưu tiên quốc gia về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình theo tinh thần của Hội Nghị Dân số và Phát triển (ICPD, 1994) và các mục tiêu phát triển bền vững (SGDs) tới năm 2030. Đặc biệt, Việt Nam sẽ ưu tiên giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình của các nhóm yếu thế để đảm bảo không ai bị bỏ ở phía sau.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Ngày Dân số Thế giới (11/7): Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững