Ngày 04/10, Hội nghị T.Ư 8 khoá XIII bước vào ngày làm việc thứ ba.
Buổi sáng: T.Ư làm việc tại Hội trường thảo luận về Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 8 khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đồng chí Võ Văn Thưởng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, thay mặt Bộ Chính trị điều hành thảo luận.
Buổi chiều: T.Ư làm việc tại tổ thảo luận về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 10/6/2012 của Hội nghị T.Ư 5 khoá XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
Liên quan đến việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội, phát biểu gợi mở tại Phiên khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong 10 năm qua, đất nước ta đã phát triển, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của Chế độ ta: Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển ổn định và hài hòa hơn; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên mọi miền đất nước được nâng lên; Việt Nam là một quốc gia đi đầu trong việc giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Các chính sách xã hội không ngừng được hoàn thiện, từng bước nâng cao chất lượng, mức hỗ trợ và mở rộng diện bao phủ theo hướng công bằng, tiến bộ, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, cơ bản bảo đảm an sinh của người dân theo quy định của Hiến pháp.
Thực hiện tốt chính sách ưu đãi và tôn vinh đối với người có công. Thể chế thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; việc làm cho người lao động cơ bản được bảo đảm. Hệ thống y tế, giáo dục, an sinh và trợ giúp xã hội tiếp tục được kiện toàn và mở rộng...
Tuy nhiên, chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội vẫn còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém và nhìn chung chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Để thực hiện được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ do Đại hội XIII của Đảng đề ra, Tổng Bí thư đề nghị T.Ư cần tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao về nhận định, đánh giá tình hình, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; sự cần thiết, đúng đắn của việc ban hành Nghị quyết mới của T.Ư về vấn đề đặc biệt quan trọng này.
Từ đó, phân tích, dự báo một cách có cơ sở khoa học về bối cảnh tình hình mới, yêu cầu, nhiệm vụ mới; xác định rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chính sách xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong thời kỳ mới./.