Nghề gốm Thanh Hà – điểm mới trong danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc Gia.

(BKTO) - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa công nhận nghề gốm Thanh Hà (thuộc phường Thanh Hà, thành phố Hội An, Quảng Nam) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.



                
   

Sản phẩm gốm Thanh Hà đẹp tinh tế từ mọi góc nhìn - Ảnh: Internet

   

Nằm bên bờ sông Thu Bồn mộng mơ, cách phố cổ Hội An khoảng 3km về hướng Tây, làng gốm Thanh Hà là nơi còn lưu giữ nguyên vẹn quy trình chế tác gốm thủ công truyền thống từ cách đây gần 500 năm cùng nhiều giá trị tri thức dân gian gắn liền quá trình hình thành làng xã, phát triển đô thị thương cảng Hội An.

Trải qua những giai đoạn thăng trầm theo thời gian và lịch sử, làng gốm Thanh Hà dường như có lúc bị lãng quên. Nhưng với tâm huyết của những bậc cao niên, tiền bối trong làng, gốm Thanh Hà dần dần được phục hồi trong sự phát triển kinh tế và văn hóa du lịch của phố cổ Hội An.
                
   

Du khách thăm quan làng gốm - Ảnh: Internet

   

Theo ông Nguyễn Phương Đông- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thanh-Truyền hình Hội An cho biết, hiện làng nghề có 33 hộ gia đình trực tiếp sản xuất với hơn 70 lao động, trong đó có 5 nghệ nhân ưu tú và nhiều thợ giỏi.

Gốm Thanh Hà có hai dòng sản phẩm chính là gốm sành nâu (còn được gọi là đồ xanh), được nung với nhiệt độ cao từ 800 đến hơn 1.000 độ C và dòng gốm đỏ (còn gọi là đồ đỏ), được nung với nhiệt độ thấp từ 300 độ C trở xuống. Đồ gốm Thanh Hà đặc biệt bởi được làm từ loại đất sét màu nâu, đặc dẻo và có độ kết dính cao. Vì lẽ đó, sắc màu chủ đạo của cả ngôi làng là màu nâu, vàng và đỏ thẫm.

Theo những nghệ nhân của làng gốm, để tạo ra được một sản phẩm đúng chất gốm Thanh Hà truyền thống đòi hỏi sự kỳ công và tâm huyết cùng với sự khéo léo tài hoa của người thợ thì mới tạo được cái hồn cho gốm. Từng công đoạn, từ chọn đất, làm đất cho đến lên khuôn trên bàn vuốt, nhào nặn trên bàn xoay... đều đòi hỏi sự kiên nhẫn, cẩn thận, công phu. Khi sản phẩm đã được thành hình thì lại tiếp tục phải trải qua cái nắng đỏ miền Trung, mực vẽ hoa văn cầu kì rồi mới được đưa vào lò nung. Khi nung, độ lửa và thời gian nung phải chính xác tuyệt đối nếu không sẽ hỏng cả mẻ gốm.
                
   

Công viên gốm Thanh Hà- Ảnh: Internet

   

Ngày nay, sản phẩm làng gồm chủ yếu phục vụ dân dụng và du lịch với các sản phẩm nhỏ gọn, tinh xảo. Ngoài ra, một số sản phẩm cũng được sản xuất để phục vụ xây dựng kiến trúc và các công trình khách sạn, nhà hàng…

Từ năm 2001, làng gốm Thanh Hà được đưa vào điểm tham quan du lịch và đã trở thành một địa điểm thu hút đông đảo du khách thập phương. Năm 2018 có trên 600 nghìn lượt khách tham quan làng gốm. Ngày Giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà (mùng 10/7 âm lịch hàng năm) đã trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc. Đặc biệt, tại làng Thanh Hà còn có Công viên Đất nung Thanh Hà- công viên gốm lớn nhất tại Việt Nam. Đây như một bảo tàng gốm của cả nước với nhiều khu vực chợ, triển lãm, bảo tàng trưng bày các sản phẩm gốm độc đáo.

Với những giá trị đặc sắc đó, mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký chứng nhận "Nghề gốm Thanh Hà- phường Thanh Hà- thành phố Hội An- tỉnh Quảng Nam" được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

THÙY CHI (tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Nghề gốm Thanh Hà – điểm mới trong danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc Gia.