Nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi của Luật Khám bệnh, chữa bệnh

(BKTO) – Sáng 21/9, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).



                
   

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

   

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, cán bộ, nhân viên y tế đang rất mong đợi có Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới – một khuôn khổ pháp lý mới, thuận lợi hơn để thực thi nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, công bằng, bình đẳng hơn.

“Tuy nhiên, nếu Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ban hành được sớm thì tốt nhưng cũng không nên vội vàng. Bởi nếu khắc phục được một số hạn chế hiện nay nhưng lại “đẻ ra” những hạn chế mới thì có khi lại còn khó khăn hơn” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu ý kiến.

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế dành thời gian, huy động lực lượng chuyên gia, cán bộ, cùng với Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật tiếp tục rà soát để hoàn thiện Dự án Luật trình Quốc hội thảo luận; nếu đủ điều kiện để thông qua sớm được là tốt nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Dự thảo Luật cần thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, nhất là vấn đề tài chính y tế, vấn đề đổi mới đơn vị sự nghiệp công…
                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: VPQH

   

Đề cập đến tình trạng đội ngũ cán bộ y tế chuyển từ khu vực công sang khu vực tư mà theo một số quan điểm là ”chảy máu chất xám”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng: “Đó là do cơ chế chính sách công sử dụng không tốt thì anh em chuyển sang tư, vẫn đóng góp cho đất nước mình. Tuy nhiên, mình cũng phải sửa chính sách để giữ cán bộ".

Liên quan đến vấn đề sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến tiếp thu theo hướng quy định người hành nghề là người nước ngoài bắt buộc phải sử dụng thành thạo tiếng Việt nếu muốn khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam, có lộ trình thực hiện và quy định được khám bệnh, chữa bệnh cho người có cùng ngôn ngữ mẹ đẻ tại Việt Nam. Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể việc sử dụng ngôn ngữ khi khám bệnh, chữa bệnh cho một số đối tượng đặc thù.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần cân nhắc quy định này vì sẽ hạn chế việc thu hút bác sĩ giỏi đến khám, chữa bệnh tại Việt Nam. “Hiện nay, có nhiều phòng khám bác sĩ người nước ngoài vẫn chữa bệnh tốt thông qua người phiên dịch” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật cũng đã bổ sung 01 điều về y học gia đình quy định nhiệm vụ, hình thức tổ chức của cơ sở y học gia đình. Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần phải quy định rõ hơn về quyền, trách nhiệm, quản lý nhà nước đối với y học gia đình, nhất là việc có cấp giấy phép hành nghề không, việc xử lý khi có rủi ro hoặc bảo vệ đối với bác sĩ gia đình như thế nào? Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để tiếp tục triển khai bằng nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ, đến nay vẫn còn một số nội dung lớn của Dự thảo Luật chưa thống nhất, chưa quy định cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành; một số vấn đề quan trọng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh mới được đề nghị bổ sung…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành y tế khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật có tính chất xương sống của ngành y tế, định hướng cho công tác quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế; được nhân dân, ngành y tế mong đợi.

Tuy nhiên, chúng ta mong đợi có Luật mới nhưng cũng không vội vàng, mà phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, bảo đảm tính khả thi và "tuổi thọ" của Luật - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi của Luật Khám bệnh, chữa bệnh