Người lao động là động lực tăng trưởng kinh tế

(BKTO) – Trong bối cảnh đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau đại dịch, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc cần có các chính sách quan tâm đến lực lượng lao động, coi lực lượng lao động là động lực tăng trưởng kinh tế của đất nước.



Sáng 08/11, Quốc hội bước vào đợt 2 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Quốc hội họp tập trung, thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện NSNN năm 2021, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm (2022-2024), trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương.
                
   

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Quan tâm đến lực lượng công nhân lao động

Là đại biểu đầu tiên phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) đánh giá cao công tác phòng, chống dịch thời gian qua đồng thời nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục là một thách thức đặc biệt đối với nước ta và thế giới. Để phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, trong nhiều giải pháp Chính phủ đã đề ra, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm một số giải pháp đối với lực lượng công nhân lao động.

Theo đại biểu, trong giai đoạn giãn cách vừa qua, chúng ta quan tâm nhiều tác động về khía cạnh kinh tế song hậu quả về mặt tâm lý cũng là vấn đề nghiêm trọng. Lực lượng lao động bị sang chấn tinh thần là điều chưa từng xảy ra và nó sẽ để lại di chứng lâu dài, cần nhiều thời gian để khắc phục.
                
   

Đại biểu Trần Văn Khải phát biểu thảo luận. Ảnh: daibieunhandan.vn

   

Đặc biệt, trước đây việc kéo lao động ở nông thôn lên thành phố đã rất khó, giờ đây xuất hiện thêm tình trạng lực lượng lao động đang ở sẵn các thành phố nhưng vẫn nhất quyết đi về quê, DN không giữ được lao động kể cả khi đã mở cửa. “Đây là thời điểm người lao động là động lực tăng trưởng, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là đóng góp vào động lực tăng trưởng của đất nước." - đại biểu Trần Văn Khải nói.

Với quan điểm đó, đại biểu Trần Văn Khải kiến nghị: Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ là kết nối cung - cầu lao động mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống. Đồng thời, có chính sách khuyến khích DN, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.

Bên cạnh đó, bài học qua đại dịch Covid-19 cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội là bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện biến động về kinh tế - xã hội. Do đó, đại biểu Khải cho rằng, cần có giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, đô thị và người có thu nhập thấp.

Đồng thời, Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống bất thường. "Chúng ta nên mạnh dạn nâng trần nợ công, sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động. Bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước" – đại biểu nhấn mạnh.

Tạo việc làm tại chỗ cho người lao động

Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm (Quảng Bình) nêu thực tế, 2 năm qua, lao động nước ta đối diện với tình trạng không có việc làm, thiếu việc làm trên diện rộng, dự báo tình hình năm 2022 sẽ còn nhiều tiềm ẩn, phức tạp và khó khăn. Đại biểu kiến nghị, bên cạnh việc đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người dân để duy trì lại “nguồn cung” lực lượng lao động an toàn, cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Song song đó, cần tập trung vào kết nối lại nhu cầu DN và người lao động. Đẩy mạnh và tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất, cải cách thủ tục hành chính để DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động. Đồng thời, tăng nguồn vốn giải quyết việc làm cho các ngân hàng, ưu tiên các ngành nghề giải quyết nhiều lao động để từ đó hỗ trợ kịp thời cho người lao động có ý định bám trụ lại quê nhà...
                
   

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm phát biểu thảo luận. Ảnh: daibieunhandan.vn

   

Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Tiến Lộc (TP. Hà Nội) nhận định, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và dòng người lao động hồi hương từ dịch bệnh đã cho thấy một cách tiếp cận mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.

Theo đại biểu, không thể phủ nhận vai trò của các siêu đô thị như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đại công trường miền Đông Nam bộ trong việc thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa những năm qua. Nhưng nếu các siêu đô thị và các đại công trường vẫn “ôm” vào các ngành công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng lực lượng lao động thủ công khổng lồ như hiện nay thì một mặt sẽ tiếp tục gây quá tải cho các trung tâm này, mặt khác, lại chèn lấn, thu hút đầu tư phát triển của các địa phương khác đang nghèo hơn và chủ yếu mưu sinh bằng nông nghiệp. Mô hình này cũng không đảm bảo sự phát triển bền vững, bao trùm và khó khả năng chống chịu trước những biến cố xảy ra trong tương lai.

Vì vậy, đại biểu Lộc đề xuất, cần xây dựng thêm nhiều trung tâm và các chuỗi đô thị tại các vùng kinh tế khác nhau để tạo thêm những cực tăng trưởng mới của nền kinh tế, từ đó có thể lan tỏa sự phát triển đến các vùng nông thôn và các tỉnh, thành phố khác để phát triển một nền kinh tế cân bằng, an toàn, hiệu quả; để “con cháu chúng ta không phải “ly hương” mà có thể “ly nông”, để có việc làm và làm giàu trên quê hương mình mà không phải cuốn về các trung tâm đô thị chật chội” - đại biểu bày tỏ.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Người lao động là động lực tăng trưởng kinh tế