Người nông dân phải là chủ thể, trung tâm

(BKTO) - Ngày 19/5, tại cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh vấn đề này và khẳng định đây là điều quan trọng nhất.




                
   

Toàn cảnh cuộc làm việc - Ảnh: VGP

   

Các mục tiêu chủ yếu đều đạt và vượt nhưng vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, 5 năm qua, Bộ đã trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc trực tiếp ban hành 272 văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng mới, hoàn thiện đồng bộ 7 chiến lược phát triển toàn ngành, các tiểu ngành, lĩnh vực.

Đến hết năm 2020 và cả 5 năm 2016-2020, có 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nổi bật như tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 5 năm đạt 2,62%/năm, năm 2020 tăng 2,68%; tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm hơn 190 tỷ USD, năm 2020 đạt 41,53 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%, cao hơn so với mức 40,7% của năm 2015. Hết năm 2020, có hơn 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt xa mục tiêu (có 50%). Thu nhập cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người, tăng 1,92 lần năm 2015.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, quá trình phát triển vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng thiếu ổn định; những yếu kém nội tại của ngành mặc dù đã được khắc phục nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Chia sẻ về những điều trăn trở nhất, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra điểm nghẽn mà ông ví von là 3 “lời nguyền”, đó là sự manh mún, tự phát, nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp. “Nếu không giải quyết được lời nguyền này thì sự phát triển của nông nghiệp sẽ luôn đụng trần, cả về năng suất, sản lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh hàng hóa…” - ông Hoan nói.

Bộ trưởng Hoan cho rằng, Ngành cần giải quyết các nút thắt, vướng mắc trên một số lĩnh vực như: Cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tại Bộ và ngành NN&PTNT ở địa phương; quy định pháp lý trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp; một số cơ chế, chính sách, quy định về nông nghiệp, nông thôn không còn phù hợp với thực tiễn, cần phải sửa đổi, bổ sung…

Xác định, tập trung cho ba trụ cột chính của ngành nông nghiệp

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, thành tích của ngành NN&PTNT trong nhiệm kỳ qua và những tháng đầu năm 2021 góp phần quan trọng vào ổn định tình hình đất nước, đồng thời thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với thành quả như vậy, diện mạo, cảm quan, môi trường sinh thái, không gian sống của nông nghiệp, nông thôn, nông dân được cải thiện đáng kể. Đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân ngày càng nâng cao.

Về các khó khăn, vướng mắc, tán thành với ý kiến của Bộ NN&PTNT, Thủ tướng cho rằng, phải xác định trụ cột chính của ngành là nông nghiệp, nông thôn và nông dân, các trụ cột này sẽ góp phần tiếp tục ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Trong đó, nông dân phải là trung tâm, nông thôn là nền tảng và nông nghiệp là động lực.

“Người nông dân phải là chủ thể, trung tâm. Mọi hoạt động phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho họ” - Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định đây là điều quan trọng nhất.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần chỉ đạo là tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát. Đẩy mạnh huy động nguồn lực bằng hình thức hợp tác công tư trên nguyên tắc cân bằng lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa 3 chủ thể: người dân, Nhà nước, DN. Thủ tướng chỉ ra một số mô hình mà Bộ NN&PTNT nghiên cứu áp dụng như: lãnh đạo công, quản trị tư; đầu tư công, quản lý tư; đầu tư tư, sử dụng công; đồng thời cũng gợi mở việc trích lập quỹ phát triển hạ tầng thủy sản, đây cũng là một mô hình hợp tác công tư, tập hợp nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn.

Bộ NN&PTNT cần tập trung nguồn lực cho 3 đột phá chiến lược. Phải khai thác hiệu quả trên đất, nâng cao giá trị gia tăng. Cần sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp và tổ chức mô hình hợp tác xã nông nghiệp phù hợp với tình hình mới.

Về nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng cho rằng, cần phát triển mạnh mẽ, hợp lý hệ thống hợp tác xã gắn với tái cơ cấu ngành NN&PTNT, đồng thời nhất trí cho rằng, cần xây dựng một nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này.

Tán thành đề xuất của Bộ NN&PTNT về Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) quốc gia 2021 - 2025, Thủ tướng cho rằng, Chương trình góp phần thúc đẩy sản xuất quy mô lớn. Chương trình cần xác định 5 điểm quan trọng: xác định thương hiệu sản phẩm, quy hoạch vùng nguyên liệu, có DN để có đầu vào, đầu ra, phải có sự tham gia của ngân hàng, áp dụng khoa học công nghệ./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Người nông dân phải là chủ thể, trung tâm