Nỗi lo trước những “thiệt hại kép” sau bão lũ
Đã gần 1 tháng kể từ khi khu vực ven sông Hồng thuộc địa bàn quận Tây Hồ, TP. Hà Nội bị chìm trong biển nước do ảnh hưởng của cơn bão số 3 kèm theo đó là lũ lụt, anh Vũ Quang Hiệp (thôn Đông, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi buồn bị “mất trắng” vườn đào.
Gia đình anh có tất cả 5 sào ruộng trồng đào với tổng cộng 650 gốc (bao gồm đào thế và đào cành) được chăm sóc kỹ càng để chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ này.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mực nước sông Hồng dâng cao, toàn bộ diện tích đào của gia đình anh đã trở nên tan hoang. Trong đó, nhiều gốc đào cổ thụ có tuổi đời hàng chục năm, vài chục năm được chăm sóc kỹ lưỡng cũng bị ngập úng không thể phục hồi, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Để khôi phục lại vườn đào, gia đình anh cần số vốn ít nhất khoảng 600 triệu đồng nhưng anh lo lắng chưa biết biết lấy tiền ở đâu để tái sản xuất.
Chung tình cảnh với gia đình anh Hiệp, gia đình bà Bùi Thị Tính cũng thiệt hại khoảng 80% số cây đào trồng trong vườn, chủ yếu là loại đào huyền. Sau những ngày mưa bão, ngập sâu, đến nay, trời nắng ráo, vườn đào của gia đình bà Tính xơ xác như ruộng ngô khô.
Vừa gom những cành đào khẳng khiu như củi khô do bị lụi tàn sau bão, bà Tính vừa sụt sùi nước mắt: “Nhà tôi chỉ trông chờ vào vườn đào, giờ thì mất trắng, phải làm lại từ đầu. Việc khôi phục lại từng gốc đào không chỉ tốn kém mà còn mất rất nhiều thời gian, ít nhất ba năm nữa những cây đào con mới cho hoa, tức là đến năm 2026 mới có thể trở lại với mùa Tết như trước đây”.
Gia đình anh Hiệp, bà Tính chỉ là một vài trong hàng nghìn hộ dân bị thiệt hại nặng nề sau trận bão lịch sử năm 2024.
Nước lũ sông Hồng dâng cao đã làm thiệt hại 105ha trồng Đào, 35,5ha trồng quất trên địa bàn quận Tây Hồ, ước tính thiệt hại khoảng 85 tỷ đồng. Chỉ tính riêng khu vực Nhật Tân, khoảng ngập 80ha đất bãi sản xuất nông nghiệp của các hộ dân bị ngập, với khoảng 20.000 gốc đào bị chìm trong nước, làm cuốn trôi hy vọng của nhiều gia đình về mùa bội thu vào dịp Tết nguyên đán 2025.
Không chỉ thiệt hại toàn bộ vườn đào, bà con nơi đây còn phải tốn thêm nhiều chi phí để thuê nhân công nhổ gốc, dọn vườn với hy vọng làm lại vào vụ sau. Để phòng chống ngập lụt, một số hộ dân đã phải mua thêm đất để nâng nền ruộng cao hơn, chuẩn bị cho vụ trồng năm sau…
“Ngóng đợi” chính sách hỗ trợ đặc thù
Để giúp bà con cải tạo đào, quất sau bão lũ, quận Tây Hồ đã có Văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề xuất hỗ trợ 60 triệu đồng/ha với chủ vườn đào và 90 triệu đồng/ha với người trồng quất.
Khoản 5, Điều 5 Nghị quyết số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bênh nêu: Các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại chưa đưa trong quy định tại điều 1,2,3,4 thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, đặc điểm sản xuất và nhu cầu của địa phương quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp.
Như vậy, Nghị quyết này giao cho các địa phương bố trí ngân sách để thực hiện hỗ trợ. Với điều kiện về ngân sách hiện nay, quận Tây Hồ hoàn toàn có thể áp dụng mức hỗ trợ phù hợp. Bởi vậy, Quận kiến nghị Thành phố cho phép được sử dụng ngân sách quận để triển khai chính sách hỗ trợ kịp thời cho bà con.
“Áp lực là hỗ trợ người dân trên địa bàn sớm, kịp dịp Tết Nguyên đán, vì thế, cần cơ chế của Thành phố cho phép sử dụng ngân sách quận để hỗ trợ”, đại biểu Lê Thị Thu Hằng - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận Tây Hồ - kiến nghị tại Kỳ họp thứ 18, Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội mới đây.
Cũng căn cứ vào Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội về hỗ trợ do thiên tai, lũ lụt đối với sản xuất nông nghiệp, UBND quận Tây Hồ đề nghị, TP. Hà Nội có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất đối với những hộ trồng đào, quất truyền thống bởi theo quy định, danh mục hỗ trợ lại không có tên của 2 loại cây trồng này.
Nếu không khẩn trương thiết kế thêm những chính sách đặc thù thì người dân sẽ khó khôi phục lại các làng nghề trong thời gian sớm nhất và rất có thể, nỗi buồn, nỗi lo của anh Hiệp, bà Tính hay nhiều hộ dân trồng đào, quất ở Nhật Tân sẽ còn đeo đẳng!...