Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế- xã hội năm 2022. Ảnh: VPQH |
Chủ động các kịch bản ứng phó với lạm phát gia tăng
Đánh giá cao những “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2022 song nhìn sâu vào từng lĩnh vực cụ thể thì vẫn còn nhiều điều cần phải quan tâm, trăn trở, nhất là những tồn tại, hạn chế đã nhiều lần nhắc đến, trong nhiều năm qua. Đây là nhìn nhận chung của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận đánh giá về kết quả phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022.
Trong bối cảnh đó, nhìn thẳng vào những khó khăn, thách thức đang đặt ra để có giải pháp ứng phó phù hợp là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) băn khoăn, việc giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục chậm, với tỷ lệ giải ngân thấp; ba Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai sớm nhưng ban hành chính sách và phân bổ vốn chậm nên tỷ lệ giải ngân không đáng kể; giải ngân vốn chương trình phục hồi phát triển KTXH cũng chậm. Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực điều chỉnh chính sách, luật để giảm giá xăng, giúp doanh nghiệp (DN) và người dân giảm bớt khó khăn nhưng giá cả các mặt hàng tiêu dùng giảm không tương ứng.
Cùng với đó, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã nâng lãi suất điều hành tín dụng, điều chỉnh biên độ tỷ giá lên mức cao nhất trong lịch sử. Điều này kéo theo chi phí vốn huy động, lãi suất cho vay tăng cao, sức ép lạm phát giá cả tăng cao đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN và đời sống nhân dân.
“Dù lạc quan thì chúng ta cũng chủ động và thẳng thắn với thực tế về tăng trưởng của đất nước chưa bền vững, sức chống chịu của nền kinh tế vẫn còn yếu, cần phải được quan tâm” – đại biểu nhìn nhận.
Đại biểu Quốc hội Phạm Hùng Thắng phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH |
Trong bối cảnh năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, đại biểu đề nghị, Chính phủ cần chủ động các kịch bản ứng phó với lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu và đã trực tiếp tác động đến nền kinh tế, đời sống của nước ta, đồng thời báo cáo Quốc hội để chủ động chính sách ứng phó phù hợp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần linh hoạt hơn và công khai kịp thời thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá để cộng đồng DN không bị động trong chuẩn bị các phương án sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn thuận lợi hơn, nhất là vốn ưu đãi tín dụng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội trong bối cảnh phục hồi; dự báo tốt hơn về thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường lao động để người dân và DN chủ động thích ứng.
Quan tâm đến việc cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) kiến nghị, thời gian tới, cần đẩy mạnh tái cơ cấu mạnh mẽ các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, xử lý nhanh các DN kém hiệu quả, phát huy hơn nữa vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước…
Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn trong triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh (cho đến giờ chỉ mới giải ngân được 12,8 tỷ so với kế hoạch là 40.000 tỷ, đạt 0,03% so với kế hoạch), đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thêm thời gian nộp thuế tiền thuê đất cho các DN.
Cần những phân tích thấu đáo
Trong khi đó, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) lại bày tỏ tâm tư về những vấn đề “có tính chất ngược” của nền kinh tế.
Đó là khi GDP của Việt Nam tăng thì thế giới lại giảm, khi thế giới tăng thì Việt Nam lại thấp. Năm 2020, GDP Việt Nam đạt 2,91% thì thế giới âm 3,1%. Năm 2021, thế giới tăng 5,9% thì Việt Nam giảm còn 2,58%. Năm 2022, Việt Nam tăng 8% thì thế giới giảm còn 2,4 đến 3,2%.
“Việt Nam có nền kinh tế rất mở nhưng tăng trưởng GDP lại ngược với thế giới. Nếu chúng ta xác định đi một mình để đi nhanh thì cũng cần phân tích, rút ra kinh nghiệm để chỉ đạo, điều hành bảo đảm tăng trưởng cao nhưng bền vững” – đại biểu nói.
Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH |
Tương tự, chúng ta lo lắng thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, thách thức sẽ không hoàn thành, nhưng kết quả 9 tháng đã hoàn thành hơn 94%, dự kiến vượt thu năm 2022 là rất lớn. Vượt thu này xảy ra cả năm 2021 và các năm trước. Theo đại biểu, cần xem xét lại dự báo và phân tích dự báo về vấn đề này.
Hay như trong giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhưng kết quả giải ngân 9 tháng năm 2022 lại thấp hơn với cùng kỳ năm 2021, năm bị ảnh hưởng rất tiêu cực của đại dịch Covid-19. Các chương trình mục tiêu quốc gia về cơ bản không giải ngân được vốn bố trí, có chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân được nhưng đặc biệt thấp, chỉ được vài %, nhưng giảm nghèo lại tiếp tục là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao…
“Đây là những vấn đề chúng ta cần phải phân tích thấu đáo cùng với dự toán thu ngân sách năm 2023 phải loại trừ đi chỉ tiêu mang tính thành tích để xử lý những năm sau bền vững hơn” – đại biểu phát biểu.
Đặt vấn đề vì sao kinh tế phục hồi, song cộng đồng DN vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) kiến nghị Chính phủ rà soát và xây dựng lại các giải pháp nhằm tác động mạnh mẽ hơn để giúp các DN đủ sức vực dậy, phục hồi sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là DN nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bằng cách tiếp tục thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế, gia hạn thuế, phí, lệ phí; các chính sách cơ cấu lại nợ, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động của các ngân hàng thương mại để có dư địa giảm mặt bằng lãi suất cho vay.../.