Nhiều chuyển biến tích cực từ tự chủ đại học

(BKTO) - Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 04/8, tại Hà Nội.



                
   

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: N.LỘC

   

Hội nghị có sự tham dự của hơn 900 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện các hiệp hội, các tổ chức quốc tế; lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, các cơ sở giáo dục đại học với tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao là mô hình và cơ chế phổ biến trên khắp thế giới. Ở Việt Nam, quá trình thực hiện tự chủ đại học là một phần của quá trình đổi mới và hiện đại hóa, quốc tế hóa giáo dục đại học.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tự chủ đại học là một cơ chế mới, phức tạp cần đồng bộ nhiều yếu tố, nhiều khâu, nhiều hoạt động. Trong quá trình triển khai, thời gian qua vẫn có những vướng mắc, bộc lộ những hạn chế, khó khăn là điều khó tránh khỏi. Những khó khăn này do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ đến thói quen cũ, tư duy cũ.
         
Theo quy định của Luật Giáo dục đại học, hiện đã có 142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ. Tự chủ đại học đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, tạo bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện.

Theo báo cáo tại Hội nghị, quá trình tự chủ đại học đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý. Hiện nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập hội đồng trường theo quy định. Việc thành lập hội đồng trường tại các trường trực thuộc các Bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ 91,18%. Đại đa số các trường thực hiện tự chủ ở mức độ toàn diện và sâu rộng đều đã mang lại hiệu quả tích cực (trên 77%).

Các cơ quan quản lý nhà nước đã thể hiện quyết tâm trong đẩy mạnh tự chủ; xây dựng hệ thống văn bản triển khai tự chủ theo tinh thần của Luật Giáo dục đại học sửa đổi, xây dựng được một số mô hình tự chủ hiệu quả, tạo tiền đề để triển khai sâu, rộng trên toàn hệ thống.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện tự chủ vẫn tồn tại những trở ngại, vướng mắc cần tháo gỡ. Đó là sự thiếu đồng bộ giữa các luật, hạn chế về phương thức quản lý của cơ quan cấp trên; nguồn kinh phí hạn hẹp, ngân sách cấp chưa tương xứng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về ưu tiên đầu tư cho giáo dục; hạn chế trong chính sách tự chủ về quản lý tài sản công, quản lý đầu tư công...
                
   

Đại biểu tham luận tại Hội nghị. Ảnh: N.LỘC

   

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về những kết quả, tồn tại, hạn chế của tự chủ đại học; từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong tự chủ đại học.

Hội nghị diễn ra trong 1 ngày với phần báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả thực hiện tự chủ đại học; 3 phiên thảo luận với gần 20 tham luận thuộc 3 chủ đề: Chiến lược phát triển và hội nhập quốc tế, Đổi mới quản trị đại học và quản lý nhà nước và Nguồn lực cho phát triển giáo dục đại học.
N.LỘC

Cùng chuyên mục
Nhiều chuyển biến tích cực từ tự chủ đại học