Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Thanh Hóa

(BKTO) - Sáng 16/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.



Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Phiên họp, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 58-NQ/TW, trong đó đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước.
                
   

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính - NSNN; quản lý đất đai; quản lý, sử dụng rừng... được Chính phủ đề xuất áp dụng cho tỉnh Thanh Hoá.

Dự thảo Nghị quyết quy định tỉnh Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu nâng hạn mức dư nợ vay 60% (tính theo dự toán năm 2021) thì mức dư nợ vay tối đa của tỉnh Thanh Hóa là 7.909 tỷ đồng thì mới đáp ứng đủ nhu cầu huy động trước nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm Thuế Giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được ngân sách Trung ương hoàn lại Thuế Giá trị gia tăng) để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Về thu từ xử lý nhà, đất, dự thảo Nghị quyết cũng cho phép ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp.Ảnh: quochoi.vn

   

Dự kiến tổng số thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất khoảng 886 tỷ đồng (bao gồm cả các chi phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới); khi đó, kinh phí ngân sách tỉnh được hưởng theo tỷ lệ 50% khoảng 443 tỷ đồng. Trong điều kiện ngân sách tỉnh Thanh Hóa còn khó khăn, yêu cầu, nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới tương đối lớn, việc được hưởng 50% khoản thu nêu trên sẽ là nguồn thu bổ sung quan trọng cho ngân sách địa phương – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa được quyết định áp dụng trên địa bàn tỉnh phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án.

Đồng thời, ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí trên để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh và không dùng để xác định số bổ sung cân đối ngân sách và số bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương cho ngân sách tỉnh.

Về định mức phân bổ chi thường xuyên, tỉnh Thanh Hóa được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên NSNN năm 2022.

Liên quan đất đai, dự thảo Nghị quyết quy định Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa quyết định: chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định; chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp...

Đồng thời, trên cơ sở đồ án quy hoạch chung khu chức năng, quy hoạch chung đô thị trên địa bàn tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ các quy hoạch trên theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
                
   

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đồng tình với việc ban hành Nghị quyết. Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, việc xây dựng cơ chế cần thể chế hóa Nghị quyết số 58-NQ/TWcủa Bộ Chính trị và đồng thời phải bảo đảm phù hợp với thực lực, khả năng cân đối NSNN, không ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương. Đồng thời, phải phù hợp với thực tiễn, mức độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm hài hòa với các địa phương khác có cùng đặc điểm và địa phương được hưởng cơ chế đặc thù.

Việc thực hiện cơ chế đặc thù phải gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, chủ động, nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, làm tiền đề để giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển; quyền hạn phải đi đôi với trách nhiệm cụ thể, nhất là trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong quản lý, sử dụng nguồn lực từ cơ chế đặc thù – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Tại phiên họp, đa số ý kiến trong UBTVQH tán thành nội dung như Tờ trình của Chính phủ và tán thành hiệu lực áp dụng Nghị quyết từ ngày 01/01/2022. UBTVQH giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến hoàn chỉnh hồ sơ Nghị quyết trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 2./.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Thanh Hóa