Nhiều rủi ro pháp lý và hệ lụy khi KTNN kiểm tra, đối chiếu số liệu báo cáo của người nộp thuế

(BKTO) - Thời gian qua, lĩnh vực kiểm toán công tác quản lý thuế đã đạt được những kết quả rất đáng kể. Số kiến nghị truy thu nộp ngân sách khá lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng số kiến nghị xử lý tài chính của KTNN. Cùng với đó, nhiều kiến nghị của KTNN cũng đã giúp cơ quan quản lý thuế khắc phục bất cập, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành.




KTNN rất khó yêu cầu cơ quan thuế xác nhận vào biên bản đối chiếu số liệu - Ảnh: T. Tùng

Trong quá trình kiểm toán công tác quản lý thuế, khi gặp trường hợp cần thiết, các kiểm toán viên (KTV) đã tiến hành kiểm tra, đối chiếu số liệu tình hình thực hiện nghĩa vụ với NSNN của người nộp thuế. Qua công tác đối chiếu, KTNN đã đề nghị tăng thu NSNN, giảm khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, điều chỉnh giảm lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng, từ đó hướng dẫn, chấn chỉnh DN về việc kê khai thuế chưa tuân thủ quy định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện kiểm tra đối chiếu số liệu báo cáo về người nộp thuế vẫn còn nhiều rủi ro pháp lý và hệ lụy.

Người nộp thuế tìm mọi lý do để trốn tránh đối chiếu…

Theo Điều 4, Luật KTNN: "Đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán". Khi kiểm toán công tác quản lý thu thuế, KTNN sẽ phải thông qua cơ quan quản lý thuế, yêu cầu người nộp thuế cung cấp các tài liệu nhằm bổ sung bằng chứng cho các xét đoán chuyên môn của KTV. Ở đây, người nộp thuế không phải là đối tượng kiểm toán trực tiếp của KTNN mà là “tổ chức, cá nhân có liên quan”. Cơ sở pháp lý của việc kiểm tra, đối chiếu là Khoản 2, Điều 11, Luật KTNN 2015, theo đó, KTNN có quyền “yêu cầu đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm toán”.

Hiện nay, khi tiến hành đối chiếu, KTNN phải thông qua cơ quan thuế để yêu cầu người nộp thuế cung cấp các tài liệu cần thiết dưới hình thức công văn yêu cầu - một loại văn bản có tính pháp lý chưa cao. Nếu người nộp thuế không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin theo yêu cầu, hoặc cơ quan thuế không phối hợp tốt trong việc cung cấp tài liệu thì sẽ gây khó khăn cho công tác kiểm tra, đối chiếu.

Hệ lụy xảy ra là, người nộp thuế sẽ cố tình trốn tránh, tìm mọi lý do để cung cấp tài liệu chậm hoặc người nộp thuế cung cấp hồ sơ, tài liệu không đầy đủ, không kịp thời, thời gian đối chiếu ngắn,… Tất cả những điều này khiến kết quả kiểm toán không bao quát hết được những rủi ro trọng yếu của nội dung đối chiếu, dẫn đến việc người nộp thuế không ký biên bản đối chiếu. Từ đó, KTV cũng trở nên thận trọng trong việc kiến nghị truy thu thuế.

Thực tế, quá trình kiểm toán đối chiếu với người nộp thuế ít khi có sự chứng kiến của đại diện cơ quan thuế. Vì vậy, KTV cũng rất khó để yêu cầu cơ quan thuế xác nhận vào biên bản đối chiếu số liệu, thậm chí cán bộ thuế còn không ký biên bản. Một vài trường hợp cán bộ thuế ký biên bản nhưng lại ghi: "nội dung truy thu do KTNN làm việc trực tiếp với người nộp thuế", nhằm mục đích giảm trách nhiệm cho cán bộ quản lý thuế.

Chồng chéo về phạm vikiểm tra, kiểm toán

Hiện nay, quá trình đối chiếu thuế vẫn chưa được quy định cụ thể về phạm vi kiểm tra, đối chiếu, tiêu chí chọn đơn vị đối chiếu, mẫu biểu đối chiếu. Theo Hướng dẫn số 275/KTNN-CĐ ngày 18/3/2016 của KTNN hướng dẫn nâng cao hiệu lực công tác kiểm tra, đối chiếu số liệu báo cáo của người nộp thuế khi kiểm toán tại cơ quan thuế, cơ quan hải quan trong cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại tỉnh, thành phố thuộc T.Ư, việc kiểm tra, đối chiếu "chỉ được thực hiện khi kiểm toán tại cơ quan thuế thấy có nội dung chưa rõ hoặc có việc chưa chấp hành đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách". Như vậy, mục tiêu của việc kiểm tra đối chiếu là nhằm thu thập bằng chứng cho các đánh giá của KTV về việc người nộp thuế chưa chấp hành đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách. Mục tiêu này có điểm tương đồng với mục tiêu của thanh tra ngành thuế, do đó, phạm vi giữa công tác đối chiếu và kiểm tra, thanh tra không có ranh giới rõ ràng.

Khi đối chiếu thuế thu nhập DN phải nộp, KTV cần kiểm tra các khoản doanh thu, chi phí của DN. Để kiểm tra được tính phù hợp của các chỉ tiêu này, người đối chiếu phải được kiểm tra các tài khoản liên quan đến hầu hết các khoản mục trên báo cáo tài chính của đơn vị như: tiền, công nợ, tài sản,… Tuy nhiên, do giới hạn thời gian đối chiếu, các bằng chứng khó được thu thập đầy đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng.

Thực tế cho thấy, biên bản đối chiếu với người nộp thuế hiện có tính pháp lý chưa cao. Về giá trị pháp lý, đây chưa phải là kết luận cuối cùng đối với các nội dung đã được đối chiếu và ghi trong biên bản. Do đó, cơ quan thuế vẫn tiếp tục kiểm tra, thanh tra các nội dung mà KTV đã thực hiện đối chiếu với người nộp thuế, gây nên tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra người nộp thuế. Bên cạnh đó, KTNN cũng không có quá trình khảo sát người nộp thuế trước khi đối chiếu, dẫn đến dễ bị chồng chéo với các cuộc thanh tra, kiểm tra của cơ quan khác.

Người nộp thuế không đồng thuận với kết luận, kiến nghị của KTNN

Tình trạng không thể thu thập đầy đủ bằng chứng cùng với việc kết quả kiểm toán không bao quát hết được những rủi ro trọng yếu của nội dung đối chiếu sẽ rất dễ dẫn đến khả năng KTV đưa ra những kiến nghị chưa thỏa đáng. Đây cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng một số người nộp thuế không đồng thuận với kết luận, kiến nghị của KTNN, dẫn đến khiếu nại kéo dài hoặc không thực hiện kiến nghị của KTNN.

Tại thời điểm này, giá trị gia tăng của KTNN trong kiểm tra, đối chiếu thuế là không nhiều như tiềm năng, bởi thời gian cũng như phạm vi bị hạn chế. Các cuộc kiểm toán chủ yếu chỉ mới kiến nghị truy thu thêm thuế phải nộp cho NSNN mà chưa thể đưa ra đầy đủ đánh giá sự tuân thủ luật pháp trên tất cả các khía cạnh của thuế như: đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế và quản lý thuế; chưa đi sâu kiểm toán hoạt động, kiểm toán hiệu quả để đánh giá tác động của các sắc thuế đến đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng và tác động của từng sắc thuế đến tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế cũng như đánh giá tính công bằng, tính hiệu quả, tính khả thi của từng sắc thuế, của đối tượng chịu thuế và thuế suất của từng sắc thuế…

Một số giải pháp khắc phục

Từ thực tế trên, để công tác kiểm tra, đối chiếu thuế được hiệu quả, chúng tôi đề xuất các giải pháp khắc phục như sau:
Trước hết, quy định pháp lý về kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế cần được sớm hoàn thiện một cách đồng bộ. Cụ thể là: hoàn thiện quy định của KTNN, thiết lập môi trường pháp lý hoạt động kiểm toán tại cơ quan thuế, khắc phục hạn chế về hiệu lực hoạt động của KTV trong việc thu thập bằng chứng kiểm toán. Xây dựng quy định xử phạt trong lĩnh vực KTNN, đặc biệt là quy định về hành vi người nộp thuế, cơ quan thuế khi cố tình không chấp hành quy định kiểm tra, đối chiếu số liệu của KTNN, đồng thời đưa ra biện pháp, mức phạt đối với từng hành vi.

Ban hành hướng dẫn cụ thể về tiêu chí chọn đơn vị đối chiếu, phạm vi đối chiếu tại đơn vị, xây dựng bổ sung hệ thống biểu mẫu kiểm toán áp dụng khi kiểm tra, đối chiếu với người nộp thuế. Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán để giảm thiểu rủi ro kiểm toán, tránh tình trạng lợi dụng đối chiếu thuế để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị hoặc gây khó khăn cho hoạt động của đơn vị.

Nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ KTV theo hướng chuyên môn hóa từng lĩnh vực. Tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ đối chiếu trong ngành KTNN. Trong đó, chú ý đến việc khai thác thông tin trên hệ thống thông tin của ngành thuế và các nguồn khác, đảm bảo nắm bắt thông tin người nộp thuế, tránh tình trạng lập kế hoạch kiểm tra, đối chiếu khi chỉ có rất ít thông tin về người nộp thuế. Xây dựng quy chế phối hợp giữa KTNN chuyên ngành với KTNN khu vực và giữa các KTNN khu vực đồng cấp, xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin của KTNN.

NGUYỄN THỊ HẢI YẾN - KTNN chuyên ngành II
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 25-10-2018
Cùng chuyên mục
Nhiều rủi ro pháp lý và hệ lụy khi KTNN kiểm tra, đối chiếu số liệu báo cáo của người nộp thuế