Từ ngày 10/1-16/2/2025, tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ) trưng bày, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật với chủ đề "Sắc Xuân Ất Tỵ 2025" và Bộ sưu tập con giáp.
Từ ngày 14/1 đến 28/1, các gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống và tranh dân gian sẽ được tổ chức tại Không gian Bích họa phố Phùng Hưng. Các nghệ nhân và thợ thủ công sẽ giới thiệu các sản phẩm truyền thống tại đây.
Ngày 18/1, tại ngã tư Nguyễn Hoàng Tôn - Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, chương trình "Hòa nhạc ánh sáng - Chào năm mới 2025" kết hợp công nghệ ánh sáng hiện đại và âm nhạc truyền thống sẽ diễn ra vào lúc 20:00 giờ. Sự kiện mở cửa tự do cho du khách tham gia và thưởng thức không gian nghệ thuật chào đón Xuân mới.
Điểm nhấn của chương trình là màn trình diễn ánh sáng bởi 2025 drone light, kết hợp dàn nhạc giao hưởng. Đây là lần đầu tiên công nghệ drone ánh sáng được sử dụng quy mô lớn, với màn trình diễn drone rồng thế hệ mới, kỳ vọng mang lại trải nghiệm mãn nhãn trên bầu trời Hà Nội.
Ngày 19/1, khu vực phố cổ Hà Nội sẽ diễn ra chương trình "Tết Việt - Tết Phố 2025", bắt đầu từ Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ (50 Đào Duy Từ). Sự kiện bao gồm các hoạt động: Rước lễ ra đình, đi qua các tuyến phố và các di tích lịch sử của khu phố cổ, kết thúc tại đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc); Lễ dâng Thành hoàng, dựng cây Nêu và giới thiệu về lịch sử, ý nghĩa của cây Nêu trong ngày Tết.
Từ 19/1 đến 28/2 diễn ra các hoạt động trang trí không gian Tết truyền thống, bao gồm không gian đón Tết của gia đình Hà Nội xưa, trang trí Tết vùng đồng bằng Bắc Bộ, trình diễn thư pháp và triển lãm hội họa kết hợp lụa, giấy thủ công. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật âm nhạc truyền thống nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ diễn ra từ ngày 28/1-02/2.
Ngày 23/1, tại Hồ Văn, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ diễn ra Lễ khai mạc Hội Chữ xuân Ất Tỵ 2025 cùng các hoạt động văn hoá nghệ thuật chào mừng Xuân. Hội Chữ xuân kéo dài từ ngày 23/1 đến ngày 09/2, tức ngày 24 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ.
Ngoài ra, tại không gian Hồ Văn sẽ có 03 cuộc triển lãm gồm: Triển lãm thư pháp "Thực học" trưng bày 100 tác phẩm thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ. Nội dung các tác phẩm giới thiệu những áng văn thơ về Thăng Long - Hà Nội và tinh hoa tri thức cổ nhân. Nguồn cảm hứng đến từ di sản của các danh nhân như Lê Thánh Tông, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, trọng thầy, trọng chữ của dân tộc Việt Nam. Qua đó khích lệ tinh thần hiếu học, cống hiến của thể hệ trẻ cho quê hương, đất nước.
Triển lãm ảnh "Việt Nam quê hương tôi" giới thiệu 50 tác phẩm nhiếp ảnh về di sản chọn lọc từ "Giải thưởng Ảnh Di sản Việt Nam - Việt Nam Heritage Photo Awards 2012-1018". Các bức ảnh ghi lại những khoảng khắc ấn tượng về di sản văn hóa, thiên nhiên và con người Việt Nam.
Triển lãm "Vẽ con rắn" mang đến góc nhìn đa dạng về rắn – Linh vật của năm mới Ất Tỵ - trong truyền thống và hiện đại. Triển lãm giới thiệu 77 tác phẩm tranh minh họa của 75 họa sĩ Việt Nam đang sinh sống ở nhiều nước trên thế giới, mang đến những câu truyện thú vị và tích cực về con giáp này.
Trong khu nội tự, bên cạnh hai khu trưng bày Trường Quốc học đầu tiên và Khơi nguồn đạo học, khách tham quan được thưởng thức triển lãm "Dấu xưa Văn hiến 3: Thiên Quang" tại Tiền Đường nhà Thái học, thể hiện những nghề truyền thống nổi tiếng của Thăng Long xưa, truyền tải ý nghĩa về ánh sáng tri thức, văn hóa và lịch sử lâu đời của dân tộc.
Triển lãm "Bia đá kể chuyện 2" khai thác giá trị nội dung và nghệ thuật của 82 bia Tiến sĩ, mang đến góc nhìn mới về bia Tiến sĩ và giáo dục khoa cử nước nhà tại chính không gian nhà bia tiến sĩ. Những Triển lãm này tiếp tục làm nổi bật giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám./.