Nhiều vấn đề “nóng” từ kết quả kiểm toán 2017 sẽ được báo cáo trước Quốc hội

(BKTO) - Chiều nay (21/5), theo chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo Quốc hội về Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016. Trong đó, nhiều vấn đề nóng từ kết quả kiểm toán, thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và cử tri sẽ được Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo trước diễn đàn Quốc hội.




Toàn cảnh buổi khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV - Ảnh: daibieunhandan.vn

Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016 là tổng hợp kết quả kiểm toán của 283 báo cáo kiểm toán tại 229 đơn vị, đầu mối, chủ đề được kiểm toán trong năm 2017 đối với niên độ ngân sách năm 2016. Theo đó, KTNN đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 91.322 tỷ đồng, gồm các khoản tăng thu NSNN 19.109 tỷ đồng, giảm chi NSNN 18.447 tỷ đồng, tăng giá trị doanh nghiệp, giá trị vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa 9.639 tỷ đồng, xử lý tài chính khác 44.127 tỷ đồng và kiến nghị hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 159 văn bản nhằm bịt lỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách; qua đó góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công

Đáng chú ý, Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016 đã tập trung nêu rõ nhiều hạn chế, tồn tại được phát hiện qua công tác kiểm toán, được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Đáng chú ý là tình trạng người nộp thuế kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập DN và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN… vẫn diễn ra khá phổ biến; nợ thuế có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2015.

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng đề cập đến nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý chi NSNN như: sai sót trong chi đầu tư phát triển, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn; việc cơ cấu lại chi NSNN gắn với đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ còn chậm; chi chuyển nguồn cao; nợ công tiếp tục tăng...

Đặc biệt, Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016 đã tập trung đánh giá về cơ chế, chính sách và hiệu quả của một số chương trình, dự án, thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước thời gian qua. Cụ thể như: những bất cập, vướng mắc trong thi hành Luật Khoáng sản năm 2010; bất cập trong công tác quản lý và thu tiền sử dụng đất đô thị; việc thực hiện dự án BT theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng còn thiếu chặt chẽ, minh bạch, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng tạo lỗ hổng để thất thoát ngân sách và tài sản công; bất cập trong giao biên chế và sử dụng lao động thực tế tại một số Bộ, ngành, địa phương.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ báo cáo trước Quốc hội về kết quả kiểm toán và kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn với các dự án BOT; kết quả kiểm toán về tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hóa...

N. HỒNG
Cùng chuyên mục
Nhiều vấn đề “nóng” từ kết quả kiểm toán 2017 sẽ được báo cáo trước Quốc hội