Ảnh minh họa - Nguồn Internet |
Bất chấp đại dịch, kiều hối về Việt Nam vẫn tăng cao
Nhiều dữ liệu cho thấy kiều hối vẫn chảy mạnh về Việt Nam bất chấp đại dịch. Số liệu của Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài tại TP. HCM cho biết, quý I/2021, lượng kiều hối chuyển về địa phương này đạt 1,45 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020.
Còn theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. HCM, 4 tháng đầu năm, kiều hối về Thành phố đạt 2 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước (4 tháng đầu năm 2020 đạt 1,8 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019). Đây là con số khá tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Như vậy, kiều hối đổ về TP. HCM những tháng đầu năm đã tiếp đà tăng trưởng của năm 2020. Năm qua, Thành phố đón nhận mức kỷ lục 6,1 tỷ USD kiều hối, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong Báo cáo cập nhật dữ liệu kiều hối toàn cầu tháng 5/2021 mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã điều chỉnh ước tính lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 từ mức 15,7 tỷ USD (báo cáo tháng 10/2020) lên mức 17,2 tỷ USD. Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục nằm trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.
Theo Báo cáo, nếu không tính Trung Quốc thì lượng kiều hối nhận về tại các nước thu nhập thấp và trung bình còn lớn hơn tổng mức đầu tư ngoài nước và nguồn viện trợ chính thức gộp lại. Điều này thể hiện vai trò rất quan trọng của nguồn lực kiều hối đối với phát triển.
Xét theo quy mô tương đối với nền kinh tế, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 tương đương 5% GDP, cũng nằm trong top 10 thế giới. Năm 2019, lượng kiều hối về Việt Nam là 17 tỷ USD, tương đương 6,5% GDP.
Tính chung trong 5 năm qua, tổng kiều hối gửi về Việt Nam đạt 71 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 6%/năm, trong đó, năm 2018 và 2019 lần lượt đạt 16 và 16,7 tỷ USD.
Các chuyên gia nhận định, những năm gần đây, kiều hối về Việt Nam không chỉ với mục đích hỗ trợ người thân, gia đình mà còn là để đầu tư, đóng góp vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Lượng kiều hối vẫn tăng mạnh bất chấp đại dịch được kỳ vọng sẽ góp phần giúp Việt Nam ổn định tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo WB, những tín hiệu lạc quan từ kiều hối nêu trên là do người di cư cắt giảm tiêu dùng hoặc tiết kiệm để gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Bên cạnh đó, kiều hối về Việt Nam còn có thêm động lực tăng trưởng nhờ chính sách kích thích tài chính ở các nước sở tại, tỷ giá hối đoái và sự dịch chuyển dòng chảy từ các kênh không chính thức sang kênh chính thức do sự hạn chế di chuyển giữa các quốc gia.
Còn theo nhận định của NHNN chi nhánh TP. HCM, sở dĩ lượng kiều hối trong 4 tháng đầu năm tăng cao hơn những năm trước là do tình hình dịch Covid-19 nên kiều bào không thể về quê ăn tết như những năm trước đó. Vì vậy, họ chuyển tiền về nhiều hơn vào gần dịp Tết Nguyên đán.
Nhiều yếu tố tác động tới dòng kiều hối
NHNN Chi nhánh TP.HCM dự báo, lượng kiều hối về Thành phố đạt khoảng 6,5 tỷ USD trong năm nay. Nếu điều này trở thành hiện thực thì đây sẽ là nguồn lực quan trọng để góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nhiều chuyên gia cũng hết sức lạc quan khi nhận định về bức tranh kiều hối của Việt Nam năm 2021 dựa trên những cơ sở: Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng nước ta vẫn đang kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh. Sự cải thiện về môi trường kinh doanh đã nhân lên niềm tin cho kiều bào khi gửi tiền về Việt Nam với mục đích đầu tư. Cùng với đó, việc chuyển kiều hối qua các ngân hàng hiện nay cũng hết sức nhanh chóng, thuận tiện, an toàn.
WB ước tính, năm 2021, lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ hồi phục và tăng 5,6%, lên mức 470 tỷ USD. Tuy nhiên, theo WB, điều này còn phụ thuộc vào tác động của Covid-19 đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu và các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - cũng cho rằng, kiều hối năm nay có thể sẽ bị tác động nhiều hơn năm 2020. Tại Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu, WB hạ dự báo mức tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu năm 2021 xuống mức 4%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó. Trong đó, một nửa các quốc gia trên toàn cầu bị hạ thấp dự báo tăng trưởng.
Các kênh đầu tư trên thị trường thế giới như vàng, trái phiếu cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh có xu hướng giảm và bấp bênh hơn.
Thêm nữa, nhiều quốc gia trên thế giới hiện vẫn đang phải ứng phó với dịch Covid-19. Trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam từ các quốc gia, nguồn lớn nhất vẫn là từ Mỹ. Tình hình Covid-19 tại Mỹ đã bớt phức tạp hơn song nền kinh tế nước này vẫn đang phải đối diện với những thách thức. Điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của kiều bào tại đây cũng như lượng kiều hối về Việt Nam./.
Đ.THÀNH (tổng hợp)