Những yếu tố then chốt giữ chân người lao động

(BKTO) - Theo các chuyên gia, để đảm bảo chuỗi cung ứng lao động, cần sớm hoàn thiện chính sách về việc làm, an sinh xã hội. Đây là những yếu tố then chốt để giữ chân người lao động, giúp họ “an cư lạc nghiệp”.



                
   

Thị trường lao động vẫn tiềm ẩn sự mất cân bằng cung - cầu. Ảnh: Internet

   

Cung - cầu lao động vẫn mất cân đối

Đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, tình hình kinh tế - xã hội đã khởi sắc; hầu hết các ngành, lĩnh vực đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Kết quả đạt được này là do Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ người dân, DN và người lao động. Điển hình là Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Triển khai thực hiện các chính sách này, hơn 50 triệu lượt người lao động và người dân đã được nhận hỗ trợ với tổng số tiền 81 nghìn tỷ đồng. Nguồn lực này đã giúp các DN có nguồn kinh phí để hỗ trợ trả lương và giữ chân người lao động.

Sự phục hồi của nền kinh tế cùng với việc triển khai các chính sách hỗ trợ là động lực để cầu lao động tăng trở lại. Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2022, nhu cầu tuyển dụng của DN là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021.

Tuy vậy, bên cạnh những tín hiệu tích cực, nguồn cung lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các DN trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao. Thị trường lao động vẫn tiềm ẩn sự mất cân bằng cung - cầu.

Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Riêng quý I/2022, thị trường thiếu hụt cục bộ khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%.

Lý giải thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, do ảnh hưởng của dịch nên thu nhập của người lao động bị giảm đáng kể. Trong khi đó, giá xăng dầu tăng đã khiến chi phí sinh hoạt của người lao động tăng lên. Chính vì vậy, nhiều lao động chọn giải pháp về quê sinh sống vì không trụ được ở thành phố.

Kết quả khảo sát vừa được Viện Công nhân và công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố mới đây cho thấy, trong số 2.000 lao động được hỏi, 56% cho biết thu nhập chỉ vừa đủ trang trải chi phí cơ bản cuộc sống, 23% phải chi tiêu tằn tiện mới đủ và 13% thu nhập không đủ sống tối thiểu.

Đặc biệt, hơn 17,4% lao động có con dưới 18 tuổi cho biết hiện tại con không thể ở cùng cha mẹ vì không đủ tiền gửi trẻ, 3% lao động chưa bao giờ mua sữa cho con uống.

Hoàn thiện đồng bộ các chính sách lao động, an sinh xã hội

Từ thực tế trên, đề xuất giải pháp để tạo nguồn nhân lực phục hồi kinh tế, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho rằng, phát triển thị trường lao động phải được coi là nền tảng trụ cột của nền kinh tế; đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ và ổn định vì lợi ích chung của người lao động và người sử dụng lao động.

Theo đó, xây dựng và hoàn thiện thể chế điều chỉnh quan hệ cung - cầu thị trường lao động, việc làm phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Có chính sách khuyến khích phân bố lao động các ngành sản xuất theo quy luật thị trường và phù hợp với điều kiện thực tiễn, gắn với đồng bộ chính sách an sinh xã hội, đào tạo và đào tạo lại lao động; đảm bảo thống nhất hệ thống pháp luật và quản lý nhà nước về lao động, việc làm. Thị trường lao động cần có sự gắn kết chặt chẽ với thị trường sản xuất hàng hóa dịch vụ và đào tạo kỹ năng lao động.
                
   

Các chính sách việc làm, an sinh xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc vực dậy nguồn lao động sau khủng hoảng Covid-19. Ảnh: Internet

   

Còn theo TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cần có quy định hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho lao động, hỗ trợ tài chính, giảm thuế cho các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ (Luật Việc làm) cũng như đẩy mạnh phát triển chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện trong khu vực kinh tế phi chính thức (Luật Bảo hiểm xã hội).

Ngoài ra, cần thiết lập và thực thi các quy định về đăng ký kinh doanh đơn giản, đồng bộ đối với tất cả DN tư nhân và ở cấp độ quốc gia. Khuyến khích khu vực phi chính thức chuyển đổi và tham gia vào các hoạt động kinh tế chính thức, góp phần tích cực đối với tăng trưởng kinh tế và cải thiện phúc lợi xã hội (Luật Doanh nghiệp).

Điểm nữa, theo ông Lợi, cần phát triển các tổ chức tài chính và tài chính vi mô dành cho khu vực kinh tế phi chính thức. Đồng thời, cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ để khu vực kinh tế phi chính thức phát triển đúng mức, giảm dần việc bỏ sót nghĩa vụ đóng thuế, tăng thu NSNN, đảm bảo công bằng xã hội và hạn chế tối đa các tiêu cực trong khu vực này.

Ở góc độ DN, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Mạng lưới DN Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) - cho rằng, việc vực dậy nguồn lực lao động sau khủng hoảng Covid-19 đòi hỏi tư duy và hành động tiên phong của các nhà lãnh đạo DN.

Tạo dựng được một nền tảng văn hóa đa dạng, bình đẳng và hòa nhập, tôn trọng sự khác biệt giới tính, vùng miền là vô cùng quan trọng để DN có thể duy trì và đảm bảo an toàn nguồn lực lao động một cách bền vững./.
THÀNH ĐỨC - MINH LONG

Cùng chuyên mục
Những yếu tố then chốt giữ chân người lao động