Nỗ lực khai thác các tiềm năng
Là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan kì vĩ, hữu tình với địa hình đa dạng, Ninh Bìnhcó đồi núi, sông hồ, đồng bằng… mang đầy đủ sắc thái địa hình Việt Nam thu nhỏ, tạo nên kỳ quan thiên nhiên đặc sắc, tuyệt mỹ. Tất cả các yếu tố đặc sắc về thiên nhiên, văn hóa và lịch sử đã được người dân Ninh Bình gìn giữ, bảo vệ, trao truyền qua nhiều thế hệ. Để từ đó một Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An - di sản kép đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á vì các giá trị đặc biệt, nổi bật toàn cầu về địa chất địa mạo, cảnh quan thiên nhiên.

Nắm bắt những lợi thế đó, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển ngành Du lịch, xây dựng các công trình văn hóa mang đậm bản sắc vùng đất Cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến; tạo dựng thêm những giá trị mới để nối kết tính bản địa và tính hiện đại, của đô thị quá khứ với đô thị tương lai trên nền tảng bảo tồn hiệu quả, hài hòa, bền vững các giá trị di sản.
Đồng thời, Ninh Bình đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa, lễ hội, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Tỉnh đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện nhiều dự án nghiên cứu khoa học, các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa; xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá; tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quan tâm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, các sản vật quý của từng vùng để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của du khách...
Nhờ vậy, các vùng di sản thiên nhiên của Ninh Bình đã được nhiều nhà sản xuất phim trong và ngoài nước chọn làm bối cảnh sản xuất phim, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu, hợp tác. Qua đó đã quảng bá ra thế giới hình ảnh về một Cố đô thân thiện, giàu truyền thống văn hóa.
Song song với đó, tỉnh Ninh Bình chú trọng tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao có sức hút lớn. Có thể kể đến những sự kiện nổi bật như: Tuần Du lịch Ninh Bình “Sắc vàng Tam CốcTràng An”; Festival Ninh Bình; các chương trình nghệ thuật thường niên tại Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Lễ hội Bái Đính; Liên hoan Hát xẩm Ninh Bình mở rộng... Các sự kiện trên thu hút sụ tham gia của đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Kiến tạo sản phẩm du lịch để chuyển hóa di sản thành tài sản
Xác định di sản văn hóa là tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, Ninh Bình đã chú trọng phát triển kinh tế di sản và đạt được một số kết quả tích cực. Nổi bật trong số đó phải kể đến công tác phát triển du lịch di sản đã và đang khai thác hiệu quả, cẩn trọng.

Nhiều chuyên gia đánh giá, mô hình kinh tế di sản ở Ninh Bình đã và đang khẳng định thương hiệu và vị thế trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hầu hết các di sản văn hóa được nghiên cứu, nhận diện, làm rõ, được người dân tự nguyện, tự giác giữ gìn và phát huy trong đời sống xã hội. Nhiều sản phẩm du lịch gắn với Di sản Tràng An, Cố đô Hoa Lư thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế, góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch sinh thái Thung Nham, hang Múa...
Trong những năm qua, nhiều giải thưởng danh giá đã được trao cho Du lịch Ninh Bình. Nổi bật như: Top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất năm 2024; Top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới; Tạp chí quốc tế Forbes xếp hạng Ninh Bình vị trí thứ 4 trong “Top 10 kỳ quan thế giới dành cho những người không thích đám đông”; Quần thể danh thắng Tràng An được bình chọn là “điểm đến có ảnh hưởng trên thế giới”.
Năm 2024, toàn tỉnh ước đón trên 8,7 triệu lượt khách, tăng 26,5% so với cùng kỳ, vượt 16% kế hoạch năm; doanh thu du lịch đạt gần 8.900 tỷ đồng, tăng 35,9% so với năm 2023, vượt 7,8% kế hoạch năm, xác lập mốc mới đón 1,5 triệu lượt khách quốc tế. Trong 3 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh ước đón 4,4 triệu lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Với tiềm năng và giá trị di sản, Ninh Bình đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế du lịch của Việt Nam.

Để bảo đảm phát triển kinh tế di sản bền vững, tỉnh Ninh Bình đã và đang tập trung đẩy mạnh bảo tồn di sản. Tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa và thiên nhiên tại các điểm di sản. Sử dụng công nghệ số như thực tế ảo (VR) để tái hiện các giá trị văn hóa và giảm áp lực lên các di tích gốc. Khuyến khích các mô hình du lịch sinh thái, sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường di sản.
Cùng với đó, Ninh Bình cần tập trung thu hút các nguồn lực để nâng cấp kết cấu hạ tầng thông minh. Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Ninh Bình qua các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch mang tầm quốc tế.
Ngoài ra, Ninh Bình đã mở rộng các chương trình đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu cho nhân sự ngành du lịch, đặc biệt là hướng dẫn viên và nhân viên phục vụ. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNESCO, các tỉnh, thành trong cả nước để chia sẻ kinh nghiệm và huy động nguồn lực phát triển du lịch bền vững.
Với quyết tâm chính trị cao của toàn tỉnh, Ninh Bình sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng phát triển Ninh Bình trở thành một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực./.