Ninh Bình trong tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn

(BKTO) - Trong gần 15 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ninh Bình đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong cả nước về phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân và hiện đại hóa nông thôn.

Từng bước chuyển mình

Khi bước vào hành trình xây dựng NTM từ 15 năm trước, Ninh Bình là một tỉnh thuần nông, cơ sở hạ tầng hạn chế, thu nhập của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, sản xuất nông nghiệp manh mún và chưa có liên kết chuỗi, bộ mặt nông thôn vẫn còn lạc hậu. Toàn tỉnh lúc đó chỉ đạt trung bình 4,8 tiêu chí/xã theo Bộ tiêu chí NTM, có 3 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 13,2 triệu đồng/năm, hơn 12% dân cư thuộc diện hộ nghèo.

Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tinh thần chủ động, đồng lòng của người dân, Chương trình xây dựng NTM đã thực sự lan tỏa mạnh mẽ trên khắp các miền quê tỉnh Ninh Bình.

Từ một địa phương với ruộng đất manh mún, kỹ thuật lạc hậu, Ninh Bình đã chuyển mình mạnh mẽ. Kim Sơn, Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô, Hoa Lư… mỗi địa phương đều có những cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển mình mạnh mẽ về mọi mặt.

Ninh Bình đã huy động nguồn lực mạnh mẽ để triển khai xây dựng NTM trên phạm vi toàn tỉnh trên cơ sở phát huy tinh thần Nhà nước và Nhân dân cùng làm, trong đó người dân là chủ thể. Người dân không chỉ đóng góp tiền của, mà còn hiến hàng ngàn hecta đất, hàng trăm nghìn ngày công lao động, gắn bó và chủ động trong từng công trình, từng hạng mục, từ đó tạo nên một “cuộc cách mạng” trong nhận thức và hành động.

464-7-diem-den-vang-nguoi-nhung-dep-khong-cuong-lai-duoc-620220927104320.jpg
Ninh Bình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch nông thôn

Nhờ đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM, hạ tầng nông thôn của tỉnh Ninh Bình đã có sự thay đổi vượt bậc: 100% đường liên xã, liên thôn, trục chính nội đồng được cứng hóa hoặc bê tông hóa, 97% đường ngõ xóm sạch sẽ, sáng-xanh-đẹp. Hệ thống thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, văn hóa cơ bản được đầu tư đồng bộ, đảm bảo phục vụ tốt đời sống và sản xuất.

Cơ cấu kinh tế nông thôn cũng có bước chuyển rõ rệt. Tỷ trọng nông, lâm, thủy sản chỉ còn 10,1%; công nghiệp-xây dựng chiếm 41,3%; dịch vụ chiếm 48,6%. Bước tiến dài trong việc nâng cao đời sống người dân là GRDP bình quân đầu người đạt hơn 96 triệu đồng/năm. Các mô hình sản xuất hiệu quả, tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới được hình thành và phát triển, gắn kết với chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Song song với đó, chương trình phát triển du lịch nông thôn đã giúp các làng nghề truyền thống như Ninh Vân, Văn Lâm, Sinh Dược, Yên Thành... trở thành điểm đến hấp dẫn, kết nối sâu với các tour du lịch lớn như Tràng An, Tam Cốc-Bích Động.

Hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đồng bộ và bền vững

Với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân, Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới. Hiện toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 63,8%) và 2/6 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Đặc biệt, 24 xã đã triển khai mô hình “thôn thông minh”, nơi công nghệ số được ứng dụng trong quản lý, sản xuất, truyền thông và cung cấp dịch vụ hành chính công.

Các giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp, như ứng dụng thiết bị bay không người lái, hệ thống tưới tiêu tự động, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và quản lý đang được tỉnh Ninh Bình tích cực triển khai. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp hữu cơ, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững.

image001_-1-.-2-.jpg
Máy bay nông nghiệp là nền tảng của “Cánh đồng không dấu chân”

Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM tại Ninh Bình được lồng ghép đồng bộ với Chương trình chuyển đổi số quốc gia, được triển khai bài bản từ hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo cán bộ, đến các nền tảng quản lý sản phẩm OCOP, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Người dân bắt đầu làm quen với các ứng dụng nông nghiệp thông minh, thương mại số, quảng bá sản phẩm trên nền tảng số.

Ninh Bình đồng thời triển khai hàng loạt mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ trồng rau an toàn trong nhà kính, nhà lưới, ứng dụng hệ thống tưới tự động, đến nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Trong lĩnh vực chăn nuôi, các trang trại lớn đã đầu tư ứng dụng công nghệ chuồng trại hiện đại, hệ thống chăm sóc tự động, giúp giảm nguy cơ dịch bệnh và tăng hiệu quả chăn nuôi. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất nông nghiệp của Ninh Bình đã tăng đáng kể. Các sản phẩm nông sản sản xuất theo quy trình an toàn, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP ngày càng được thị trường đánh giá cao, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) cũng được tỉnh chú trọng, góp phần phát triển kinh tế địa phương và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Ngay từ khi triển khai chương trình OCOP, tỉnh Ninh Bình đã xác định phải phát triển các sản phẩm là đặc sản của địa phương mang bản sắc giá trị văn hóa, bề dày lịch sử của các vùng đất, con người Ninh Bình. Các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của tỉnh qua từng năm đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh Ninh Bình hiện có 209 sản phẩm OCOP, trong đó có 69 sản phẩm hạng 4 sao. Các sản phẩm có thế mạnh thuộc các nhóm hàng: thực phẩm, thảo dược, lưu niệm, nội thất, trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn.

Cùng với đó, công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng tiếp tục được giữ vững. Lực lượng Công an xã chính quy hoạt động hiệu quả, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với phong trào xây dựng NTM được phát huy mạnh mẽ. Các mô hình tự quản, liên kết an ninh vùng giáp ranh, xử lý từ sớm, từ xa các vấn đề tiềm ẩn nguy cơ, đã tạo nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển toàn diện và ổn định.

Với những thành tựu đã đạt được và định hướng phát triển rõ ràng, Ninh Bình đang vững bước trên con đường hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân và xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước./.

Cùng chuyên mục
Ninh Bình trong tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn