Hố sâu nợ công
Theo thống kê một số thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang có mức nợ công cao như Italy, Pháp và Bỉ, sẽ phải đảm bảo thực hiện nỗ lực lớn về ngân sách trong những năm tới - nhân tố có khả năng làm giảm tốc độ tăng trưởng ở Khu vực đồng euro (Eurozone).
Là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực, nền kinh tế Pháp đang trong tình trạng không tốt, với tỷ lệ thất nghiệp tăng và có dấu hiệu suy thoái. Bảng xếp hạng các cường quốc công nghiệp vẫn đặt Pháp trong nhóm đứng đầu, song thâm hụt thương mại đã ở mức 100 tỷ USD. Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất là hố sâu nợ công ngày càng mở rộng.
Tính đến cuối tháng 6/2024 nợ công của Pháp đạt con số kỷ lục 3.159,7 tỷ USD, tương đương hơn 110% GDP, trong khi nợ công của Đức ở mức 2.622 tỷ USD. Xét theo giá trị tuyệt đối, nợ công của Pháp cao nhất ở châu Âu. Trong đó, thâm hụt y tế công cộng là 16,6 tỷ USD mỗi năm. Chi phí trả nợ gần 60 tỷ, vượt mức chi tiêu cho giáo dục.
Đa số dự báo về triển vọng kinh tế Eurozone trong trung hạn không có nhiều điểm sáng. Các nỗ lực ngân sách mà một số quốc gia thành viên buộc phải thực hiện sẽ để lại hậu quả lớn đối với sự phát triển của toàn bộ liên minh tiền tệ của châu Âu, vào thời điểm mà các thách thức về khí hậu, xu hướng già hóa dân số hay thậm chí là nhu cầu đầu tư vào quốc phòng đang ngày càng gia tăng. Hơn nữa, yếu tố tác động từ bên ngoài cũng gây ảnh hưởng, khi Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - đang phải gánh một khoản nợ khổng lồ để duy trì vị trí dẫn đầu hiện nay.
“Nếu chúng ta cho rằng tình hình ngân sách của một quốc gia là đáng lo ngại vì tỷ lệ nợ công đã cao, để ổn định nó quốc gia này sẽ phải điều chỉnh đáng kể tài khoản công trong những năm tới, thì đang có ba thành viên Eurozone nằm trong danh sách này. Đó là Italy, Pháp và Bỉ”, chuyên gia Charles-Henri Colombier, nhà kinh tế tại Rexecode, diễn giải. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán nợ công của Italy sẽ lên tới 144% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2029, trong khi của Pháp và Bỉ là 115% (gấp đôi Đức).
Sẽ khó để EU quay trở lại chính sách "thắt lưng buộc bụng"
“Điều phải tránh bằng mọi giá là yêu cầu lành mạnh hóa ngân sách bắt buộc đối với tất cả các nước trong Eurozone, như đã làm vào đầu những năm 2010”, chuyên gia Jean-Christophe Caffet, nhà kinh tế trưởng của Coface, cảnh báo. Bởi nếu làm vậy, hiệu ứng suy thoái sẽ tăng lên tối đa. Hiện nay chỉ có ba quốc gia thành viên Eurozone thực sự gặp vấn đề về ngân sách, ít hơn so với thời kỳ khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Vì vậy EU nên tránh lặp lại sai lầm của 15 năm trước. “Sẽ không có chuyện quay trở lại chính sách" thắt lưng buộc bụng". Vấn đề đầu tiên là nỗ lực giảm tốc độ chi tiêu công”, ông Fabio Balboni, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng HSBC lưu ý.
Tuy nhiên, sẽ rất khó - nếu không nói là không thể - ổn định nợ của ba quốc gia kể trên mà không gây tác động đáng kể đến tăng trưởng của Khu vực đồng euro. Thứ nhất là vì ba quốc gia này có ảnh hưởng rất lớn, chiếm 38% GDP của khu vực. Tiếp đến là bởi “nếu Pháp muốn giảm thâm hụt nợ công 25 tỷ euro mỗi năm trong những năm tới, mức tăng trưởng sẽ bị cắt giảm khoảng 0,7 điểm phần trăm mỗi năm. Do tăng trưởng tiềm năng thấp, ước tính chỉ trong khoảng từ 1-1,5%, điều này có nghĩa là tăng trưởng kinh tế ở Pháp dự báo sẽ chỉ đạt khoảng 0,5% mỗi năm trong vòng 4 hoặc 5 năm tới” chuyên gia Jean -Christophe Caffet đánh giá.
Theo chuyên gia Charles-Henri Colombier, kể từ đầu năm 2019, một nửa tăng trưởng của Pháp đến từ chi tiêu công. Tuy nhiên, đòn bẩy này sẽ biến mất trong thời gian ngắn nếu các chính phủ trong tương lai muốn ổn định nợ công.
Về phần mình, Italy vẫn đang hưởng lợi từ nguồn tài chính thuộc kế hoạch phục hồi châu Âu (NGEU) được Ủy ban châu Âu (EC) phê duyệt trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nhưng khoản tiền sẽ kết thúc vào cuối năm 2026. Và từ năm kế tiếp, nếu muốn hạn chế thâm hụt ngân sách, chính phủ nước này “sẽ phải tiết kiệm 18 tỷ euro, tương đương 0,8% GDP”, các nhà kinh tế của ngân hàng Intesa San Paolo đánh giá.
Đức - nền kinh tế lớn nhất Eurozone - đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về cơ cấu và hiện vẫn từ chối chấm dứt “phanh nợ” để có thể tăng đầu tư công. Ngày 4/9, Viện kinh tế IFW đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Đức, với dự báo GDP của nước này sẽ giảm 0,1% trong năm nay và chỉ tăng 0,5% trong năm tới.
Theo phần lớn ý kiến của các chuyên gia, vẫn chưa rõ động lực tăng trưởng của Eurozone có thể đến từ đâu trong tương lai, vì khu vực này chủ yếu dựa vào ngoại thương. Trên thực tế, sức tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, một khách hàng lớn mua các sản phẩm của châu Âu, đang chậm lại và việc cựu Tổng thống Donald Trump, người trung thành với chủ nghĩa bảo hộ, có khả năng tái đắc cử sau cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới, có thể gây tổn hại lớn cho ngành công nghiệp của “lục địa Già”. Chuyên gia Charles-Henri Colombier nhấn mạnh: “Tăng trưởng ở Eurozone sẽ khó có thể vượt quá 1% mỗi năm trong những năm tới”.
Theo nhà kinh tế Rexecode, “sự khác biệt giữa các khoản nợ công tạo thành sự mất cân bằng nội bộ tại Eurozone và có vẻ không bền vững về lâu dài”. Ông coi đây là “nguồn gốc gây căng thẳng chính trị giữa các quốc gia thành viên trong tương lai”.
Để quy tụ các khoản nợ công, Eurozone cần phải áp dụng một chế độ liên bang về ngân sách hoặc nợ chung. “Giải pháp có thể là thực hiện một kế hoạch phục hồi châu Âu mới, nhưng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, xem ra sẽ không có sự đồng thuận chính trị cho vấn đề này”, chuyên gia Fabio Balboni nhấn mạnh.