Nỗ lực hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế 2016

(BKTO)- Với GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,52% thì 6 thángcuối năm, GDP phải đạt mức tăng trưởng 7,6% để cả năm 2016 đạt mục tiêu tăng6,7% như Quốc hội đề ra. Đây là mục tiêu không dễ đạt được. Tuy nhiên, kết luậntại phiên họp Chính phủ thườngkỳ tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn khẳng định: Trước mắt, chưa trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêuđã giao.



Tăng trưởng GDP 6 tháng giảm tốc

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 5,52%, giảm tốc so với mức 6,32% cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 618,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ; tổng thu NSNN ước đạt 467,8 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 82 tỷ USD; số DN đăng ký tăng 20%; tổng vốn FDI đăng ký ước đạt 11,28 tỷ USD, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước.


Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm ước đạt trên 82 tỷ USD.Ảnh:TS
Cụ thể hơn, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6 tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 7,4% so với tháng 6/2015. Trong đó, khu vực dịch vụ vẫn là điểm sáng của “bức tranh” GDP khi 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 đến nay. Một số ngành tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: bán buôn, bán lẻ tăng 8,1%; hoạt động tài chính ngân hàng, bảo hiểm xã hội tăng 6,1%; thông tin và truyền thông tăng 8,76%. Hoạt động kinh doanh bất động sản cũng đạt mức tăng 3,77% là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Tuy nhiên, lần đầu tiên sau nhiều năm là điểm tựa của nền kinh tế, 6 tháng đầu năm 2016, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đã tăng trưởng (-) 0,18%. Nguyên nhân là do vừa qua khí hậu diễn biến bất thường, hạn hán khốc liệt nhất trong 100 năm qua, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, việc xả thải chất độc của Công ty Formosa Hà Tĩnh gây cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát ước tính: “Trong 6 tháng đầu năm, thiên tai đã làm cả nước thiệt hại 16.900 tỷ đồng, bằng 0,9% tổng giá trị nền kinh tế làm ra trong 6 tháng”.

Chưa trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu

Từ những khó khăn trên, để đạt được mức tăng trưởng GDP cả năm 2016 ở mức 6,7% như Quốc hội đề ra là không dễ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tình hình kinh tế - xã hội những tháng giữa năm đã có những bước chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng GDP quý II đạt 5,55%, cao hơn mức tăng 5,48% của quý I. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho rằng, “hạn” của nông nghiệp đã qua; hạn hán, xâm nhập mặn đã suy giảm, sự cố cá chết cũng giảm tác động, thị trường đã khởi sắc nên chắc chắn 6 tháng cuối năm nông nghiệp sẽ tăng trưởng tốt.

Cùng với đó, hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP.HCM vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tốt. Theo báo cáo, tổng sản phẩm trên địa bàn TP. Hà Nội (GRDP) 6 tháng năm 2016 tăng 7,3% so cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện là 85.484 tỷ đồng, đạt 50,5% dự toán. Với TP. HCM, GRDP 6 tháng đầu năm đạt gần 477.000 tỷ đồng, tăng 7,47% so với cùng kỳ năm ngoái. Các lĩnh vực quan trọng như: dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp đều có mức tăng khá so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách 6 tháng đạt 143.965 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ và đạt 48,26% dự toán năm. Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm, thành phố sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư; triển khai gói hỗ trợ 1 nghìn tỷ đồng cho các DN và các giải pháp hỗ trợ khác có liên quan để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ.

Xuất phát từ những tín hiệu khả quan trên, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính phủ sẽ hành động quyết liệt, ưu tiên tập trung xử lý các điểm nghẽn để tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, tạo lập nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn; trước mắt, chưa trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu đã giao.

Cho rằng nhiệm vụ còn lại từ nay đến cuối năm là hết sức nặng nề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từng địa phương, Bộ, ngành phải chủ động, năng động, sáng tạo, tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả lĩnh vực theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN, phấn đấu vượt thu, bảo đảm các chỉ tiêu chi, bội chi ngân sách; chú trọng tạo chuyển biến rõ nét chống thất thu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế; tập trung cải cách thủ tục hành chính, xử lý nghiêm các vi phạm. Tháo gỡ vướng mắc về chính sách, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, gắn với kiểm soát chặt chẽ chi NSNN. Rà soát các quy định, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA, vốn trái phiếu chính phủ, vốn đầu tư từ NSNN. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý “không vì môi trường đầu tư mà bỏ qua môi trường sống của người dân”.
THANH TÙNG
Cùng chuyên mục
  • Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: Thảo luận và quyết định những vấn đề cơ bản, hệ trọng
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Thực hiện Chương trình làm việc toànkhóa, sáng 4/7, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đãkhai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị. TạiHội nghị này, Trung ương thảo luận và quyết định về: Quy chế làm việc của BanChấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Quyđịnh thi hành Điều lệ Đảng; Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luậtcủa Đảng; việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước vàmột số vấn đề quan trọng khác.
  • Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam?
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Giữalúc châu Âu đang rối bời sau sự kiện Brexit (cử tri Anh lựa chọn phương án rờiLiên minh châu Âu), Việt Namcó thể là điểm sáng thị trường ở châu Á? Liệu những cơ hội mới cho Việt Nam cóđược nhen nhóm? Trả lời những câu hỏi này tại Tọa đàm: “Thiên nga đen” Brexitvà ứng xử của Việt Nam do Tạp chí Diễn đàn đầu tư (Bizlive) tổ chức ngày 28/6,mỗi diễn giả đều có những góc nhìn, nhận định riêng về tác động của Brexit đốivới kinh tế Việt Nam trong tương lai.
  • Tích cực triển khai công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội ASOSAI 14
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Sáng 23/6, tại trụ sở KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc - đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động (KHHĐ) ASOSAI và công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội ASOSAI 14 vào năm 2018 tại Việt Nam của KTNN. Tham dự cuộc họp có Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hoàng Hồng Lạc, NguyễnQuang Thành cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc KTNN.
  • Hàng tỷ USD có thể bị thất thoát  từ “kẽ hở” của chính sách thuế tài nguyên
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một chính sách thuế tài nguyên không hợp lý có thể gây thất thoát hàng tỷ USD ngân sách mỗi năm. Thực tế đã cho thấy, sản lượng khai thác kim cương toàn cầu có thể lớn gấp đôi so với sản lượng báo cáo một cách chính thống; một nửa dòng tiền bất hợp pháp ở Châu Phi liên quan đến xuất khẩu dầu mỏ; Zambia mất 2 tỷ USD (tương đương 10% GDP) chủ yếu từ lĩnh vực khai thác mỏ (năm 2012); Indonesia mất khoảng 2 tỷ USD mỗi năm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản; và theo đánh giá của tổ chức Global Financial Integrity được thực hiện vào năm 2014 đối với 5 quốc giàu tài nguyên, tỷ lệ thất thu ngân sách do trốn và tránh thuế chiếm từ 5-25% GDP.
  • Phát triển kế toán, kiểm toán Việt Nam trong xu hướng toàn cầu
    7 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Ngày 20/6, Bộ Tài chính và Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA)đã tổ chức hội thảo “Xu hướng toàn cầu của ngành kế toán, kiểm toán và tàichính & Chiến lược của Việt Nam đến 2020” nhằm đánh giá tình hình thực hiệnChiến lược Kế toán - Kiểm toán Việt Nam đến 2020, đồng thời đưa ra những phântích toàn diện và đề xuất giải pháp trọng tâm thực hiện Chiến lược đáp ứng yêucầu của thị trường và hội nhập.
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế 2016