Nỗi lo thất thu của tiểu thương chợ hoa đêm lớn nhất Hà Nội

(BKTO) - Mọi năm, vào những ngày cận Tết này, chợ hoa Quảng An - chợ hoa đầu mối lớn nhất Hà Nội đã nhộn nhịp người mua sắm đón Tết. Thế nhưng năm nay, do dịch Covid-19 bất ngờ tái bùng phát, thêm yếu tố thời tiết khó dự đoán, khung cảnh chợ hoa trở nên vắng lặng hơn, người mua giảm hẳn khiến các tiểu thương lo lắng sẽ thất thu vụ Tết này.



Chợ hoa ảm đạm, sức mua giảm nhưng giá bán lại tăng

Theo ghi nhận của phóng viên, dù đi chợ hoa Quảng An đúng tầm nhộn nhịp nhất nhưng lượng người mua sỉ và lẻ chỉ lác đác, sức mua cũng không nhiều bởi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
                
   

Vắng khách thương lái ngao ngán

   

Sau khi các ca bệnh được công bố thì hoạt động tại chợ giảm đi đáng kể. Các tiểu thương tại đây cho biết, chỉ trong vài ngày, lượng khách tới chợ đã giảm 30 - 40% và chuyển hướng dần qua mua online và đặt giao hàng về nhà.

Để bảo đảm phòng dịch, Ban quản lý chợ yêu cầu người dân tới chợ cần thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, cũng như đặt nước rửa tay sát khuẩn tại đầu chợ.

Dù người mua có thưa thớt nhưng tình hình mua bán hoa giữa các tiểu thương tại chợ vẫn diễn ra bình thường. Những người trồng hoa từ khắp các vùng lân cận như Tây Tựu hay Mê Linh, Đông Anh chở hàng về đây để đổ cho những cửa hàng hoặc những người bán lẻ.

Xa hơn, những chiếc xe hoa được vận chuyển từ Đà Lạt về để phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết với những loài hoa khó trồng được ở phía Bắc. Hàng trăm loại hoa với đủ chủng loại được bày bán. Bên cạnh những loại hoa quen thuộc như đào, hồng, ly, cúc, thược dược…, còn có những loại hoa nhập ngoại như tuyết mai, thanh liễu, diên vĩ, phi yến, tulip…
                
   

Hoa nhập khẩu mẫu mã đa dạng

   

Giá hoa trong nước năm nay được nhận định là cao hơn so với mọi năm. Nguyên nhân là do diễn biến thời tiết “thất thường”, mưa muộn, lại có sương nhiều, gây ảnh hưởng lớn tới việc trồng hoa, nhất là các loại hoa Tết.

Nguyên nhân quan trọng nữa là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới đời sống kinh tế của người dân, khiến người trồng và các tiểu thương đều "nương" theo tình hình dịch bệnh. Nhiều tiểu thương đã chủ động nhập và bày bán các loại hoa có giá thành thấp hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo lời của anh Thành, chủ cửa hàng hoa ở kiot 236 Âu Cơ: “Số lượng các loại hoa đắt tiền như đào, lan, mai… năm nay được bày bán tại cửa hàng đã giảm đi phần nào so với Tết năm trước, thay vào đó là các loại hoa bình dân như hoa ly, cúc bông, cúc vạn thọ...”.

Tuy sức mua giảm nhưng giá đầu vào của hoa nội địa lại cao do nguồn cung khan hiếm khiến các thương lái đau đầu. Chị Hoa - một đầu mối thu mua tại làng hoa Tây Tựu và bán tại chợ Quảng An xác nhận: So với cùng thời điểm này năm ngoái, giá hoa khá cao vì thời tiết năm nay ảnh hưởng đến thu hoạch tại vườn. Giá hoa hồng thu mua vào là 90.000 đồng/50 bông, giá cúc cao đột biến tầm 200.000 đồng/50 bông. Giá này theo chị cao hơn năm ngoái 10 - 15%. Chủ vườn tăng giá, người mua ép giá, chỉ có các tiểu thương ở giữa là “tiến thoái lưỡng nan”.
                
   

Toàn cảnh chợ hoa vắng vẻ

   

Đợi đến sát Tết mới mua với hy vọng giá hoa thấp hơn là tâm lí của không ít người, bên cạnh đó, vẫn có những khách hàng chia sẻ với người trồng, người bán hoa vì thời tiết không được thuận lợi và vừa trải qua một năm khó khăn vì dịch Covid-19.

         
“Giá hoa năm nay tăng so với năm ngoái nhưng mình thấy điều này là dễ hiểu. Người bán hàng làm cả năm chỉ mong dịp Tết, giờ dịch lại không có khách nên dù giá hoa cao hơn mình cũng vẫn mua ủng hộ và không mặc cả” - chị Linh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) một trong số ít khách hàng đến mua hoa tại chợ chia sẻ.
Tiểu thương chuyển hướng bán hoa nhập khẩu, giao hàng online

Nắm bắt nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng, các chủ sạp hoa đã lựa chọn bày bán các giống hoa nhập khẩu với giá thành hợp lý nhằm thay thế cho hoa truyền thống đang đà tăng giá. Hoa nhập khẩu mới đẹp, độc lạ lại có sức chống chọi với thời tiết tốt, chơi bền nên được khách hàng ưa chuộng.

Tại chợ hoa năm nay, các loại hoa nhập khẩu như tuyết mai, thanh liễu, đào đông, lan vũ nữ… vẫn là mặt hàng được nhiều khách chọn mua nhất. Giá cả nhìn chung không tăng, thậm chí còn có xu hướng giảm so với cùng kì năm ngoái. Một loại hoa mới được các thương lái chọn nhập phục vụ dịp Tết Tân Sửu là cúc mẫu đơn ngũ sắc.
                
   

Hoa nhập khẩu đẹp độc lạ, giá hợp lý lên ngôi

   

Thú chơi hoa ngũ sắc chỉ mới rộ vài tháng trở lại đây nhưng ngày càng có nhiều người đam mê, đặc biệt là người trẻ tuổi. Cúc ngũ sắc rất dễ chăm sóc, chơi được lâu, càng nở dáng càng đẹp, càng tươi màu. Loại hoa này cho nhiều màu khác nhau xanh, hồng, cam, đỏ… đẹp, bắt mắt, giá bán chỉ 100.000-120.000/ bó 10 bông, rất hợp lý và thu hút người ham của lạ.

Những năm qua, các loại hoa có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc đã xuất hiện khá nhiều. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi giá thành của hoa trong nước và nhập khẩu chênh lệch rõ rệt. “Tâm lý của người dân chỉ thấy đẹp, giá cả phải chăng thì mua, chứ ít khách quan tâm nguồn gốc" - chị Lài, chủ cửa hàng hoa tươi nhập khẩu Xuân Lài flower, thông tin thêm.

Từ những kinh nghiệm “xương máu” của mùa Covid năm ngoái, năm nay các tiểu thương đã xoay sở rất nhanh nhằm ứng phó với tình hình dịch đang diễn biến phức tạp. Những tấm biển ghi rõ thông tin từ số điện thoại, zalo, facebook được treo lên để khách hàng tiện liên lạc và đặt hàng. Ngoài ra các tiểu thương còn chủ động chụp ảnh hoa gửi cho khách hay đăng bán online và giao hàng tận nơi để hạn chế tiếp xúc.
                
   

Lác đác khách đến mua hoa tại chợ và một shipper Ahamove (áo màu cam) lấy hoa để giao hàng online

   

“Dịch đến bất ngờ ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu Tết năm nay của cửa hàng. Tuy nhiên, vì cửa hàng đã kinh doanh từ lâu nên có lượng khách cố định, thêm nữa cũng có khách quen là công ty, doanh nghiệp. Khách giờ chỉ cần xem ảnh, giao dịch qua điện thoại, nhắn tin số lượng rồi chuyển khoản là tôi ship tận nơi. Thế nhưng không được thấy không khí nhộn nhịp của chợ hoa dịp Tết cũng buồn. Chỉ mong nước mình dập dịch thật nhanh để nhịp sống trở lại bình thường, người dân còn ăn Tết”, anh Mạnh Thắng (35 tuổi, chủ tiệm hoa tại chợ Quảng An, Hà Nội) tâm sự.

Hy vọng của anh Thắng cũng chính là hy vọng của rất nhiều tiểu thương và lao động khác. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp nên người dân vẫn cần tuân thủ các quy định của Chính phủ, hạn chế đi lại nếu không cần thiết để đảm bảo an toàn, tránh tụ tập đông người là lựa chọn phù hợp. Việc kinh doanh buôn bán được chuyển đổi linh hoạt từ mặt hàng đến cách thức bán hàng sao cho vừa đảm bảo về hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo việc phòng chống dịch./.

Bài và ảnh: KHÁNH LINH
Cùng chuyên mục
Nỗi lo thất thu của tiểu thương chợ hoa đêm lớn nhất Hà Nội