Nông nghiệp sinh thái tại tỉnh Ninh Bình- Nhiều tiềm năng phát triển

(BKTO) - Nằm giữa vùng địa lý phong phú với nhiều yếu tố thuận lợi về điều kiện tự nhiên, tỉnh Ninh Bình được đánh giá cao về tiềm năng phát triển nông nghiệp. Tỉnh đã và đang triển khai những bước đi chiến lược nhằm phát triển nền nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị.

Thuận lợi từ tài nguyên thiên nhiên đến cơ chế, chính sách

Với 5 tiểu vùng sinh thái đặc trưng, có thể nói, tỉnh Ninh Bình có điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi. Tài nguyên thiên nhiên tại Ninh Bình - đặc biệt là đất ngập nước ở Vân Long hay rừng Cúc Phương - có đa dạng sinh học phong phú, là cơ sở cho các mô hình nông nghiệp gắn với bảo tồn và du lịch sinh thái.

00_tamcoc.jpg
Tam Cốc mùa lúa chín đẹp lay động lòng người

Vùng đồi núi bán sơn địa với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đặc trưng phù hợp với các mô hình nông nghiệp hữu cơ bền vững. Vùng trũng là nơi phát triển được mô hình lúa - cá, mang lại giá trị kép, vừa tăng hiệu quả sản xuất vừa bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Vùng đồng bằng thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với các loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao như dứa, rau sạch, hoa và cây cảnh. Vùng ven đô phù hợp phát triển các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái như vườn nho Hạ Đen, cánh đồng hoa, trang trại hữu cơ. Vùng ven biển có tiềm năng nuôi trồng thủy sản bền vững, đặc biệt là ngao đạt chứng nhận ASC - tiêu chuẩn quốc tế về nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm, mang lại giá trị xuất khẩu cao.

Ninh Bình còn có lợi thế rất lớn về văn hóa và du lịch. Nơi đây là điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam, với Quần thể Danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, cùng nhiều địa danh nổi tiếng như Tam Cốc - Bích Động, Hang Múa, cố đô Hoa Lư... Lượng du khách lớn đổ về Ninh Bình hàng năm là là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Sự gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp và du lịch không chỉ nâng cao giá trị nông sản mà còn quảng bá thương hiệu nông nghiệp của tỉnh, thu hút du khách trong và ngoài nước.

dl4_08153106032023.jpg
Du khách tham gia trải nghiệm “Một ngày làm nông dân” tại Khu du lịch sinh thái Động Thiên Hà, xã Sơn Hà, huyện Nho Quan

Bên cạnh đó, tỉnh có tiềm năng về nhân lực và cộng đồng. Người dân Ninh Bình có khả năng thích nghi nhanh với các mô hình sản xuất mới, là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái. Các hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương cũng tích cực tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp, kết hợp sản xuất với dịch vụ.

Một điểm thuận lợi nữa đó là chính sách và định hướng hỗ trợ. Các năm qua, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, như Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc sản, xây dựng thương hiệu gắn với yếu tố văn hóa và bản sắc địa phương; khuyến khích sử dụng công nghệ số, công nghệ xanh trong sản xuất, chế biến và quản lý nông nghiệp; tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho nông sản.

Định hướng và giải pháp để khai thác tối đa tiềm năng

Quy hoạch của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định rõ nông nghiệp sinh thái, đa giá trị là một trong những trụ cột phát triển. Các chính sách hỗ trợ, như chương trình OCOP, xúc tiến thương mại và ứng dụng công nghệ số đã tạo cơ hội lớn cho nông nghiệp tỉnh Ninh Bình. Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, tỉnh Ninh Bình đã đưa ra các định hướng và giải pháp sát thực, phù hợp với đặc thù địa phương. Cụ thể:

Một là, làm tốt công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp sinh thái theo tiểu vùng, tận dụng lợi thế tự nhiên để phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Vùng đồi núi bán sơn địa được tập trung phát triển cây ăn quả, cây dược liệu như chè, bưởi, sâm Cúc Phương, gắn với các khu bảo tồn như Vườn quốc gia Cúc Phương để kết hợp du lịch sinh thái. Vùng trũng sẽ ưu tiên sản xuất lúa hữu cơ, kết hợp nuôi trồng thủy sản - đây là hướng đi phù hợp để nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường. Vùng đồng bằng được tập trung vào rau, hoa, cây cảnh, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, phù hợp nhu cầu thị trường. Vùng ven đô tổ chức các mô hình trang trại hữu cơ, vườn cây ăn quả kết hợp dịch vụ trải nghiệm. Vùng ven biển đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, mở rộng diện tích trồng rừng ngập mặn để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.

anh-man-hinh-2025-04-23-luc-15.49.35.png
Cánh đồng sâm Cúc Phương được nhân rộng từ giống cây bản địa

Hai là, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, có sự kết nối giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Hỗ trợ xây dựng các hợp tác xã kiểu mới với năng lực quản trị tốt, đóng vai trò trung gian trong tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm.

Ba là, đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp để cải tạo hệ thống tưới tiêu ở các vùng trũng, bảo đảm cung cấp nước cho canh tác hữu cơ. Xây dựng các cụm chế biến gần với vùng sản xuất để giảm chi phí vận chuyển và tăng hiệu quả. Đầu tư thiết bị như nhà lưới, hệ thống giám sát IoT, blockchain truy xuất nguồn gốc.

Bốn là, đào tạo và thay đổi tư duy sản xuất. Theo đó, sẽ tổ chức đào tạo nông dân về các phương pháp canh tác hữu cơ, tuần hoàn, kỹ thuật giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, từ cung cấp đầu vào, kỹ thuật sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Năm là, gắn kết nông nghiệp với du lịch sinh thái: Tổ chức các tour du lịch trải nghiệm tại cánh đồng lúa Tam Cốc, đầm sen Hang Múa, vườn nho Hạ Đen. Tổ chức lễ hội gắn với các sản phẩm nông nghiệp, như lễ hội sen, lễ hội mùa lúa chín Tam Cốc, để thu hút khách du lịch và quảng bá sản phẩm.

sen_hang__mua_3_1.jpg
Hồ sen tuyệt đẹp Nằm ngay dưới chân núi Ngọa Long của Hang Múa 

Sáu là, có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính, trong đó tăng cường tín dụng ưu đãi cho các hộ dân, hợp tác xã chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, tuần hoàn cũng như trợ cấp chi phí đầu tư ban đầu cho các mô hình nông nghiệp sinh thái mới. Song song với đó, thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất và chế biến nông sản theo hướng bền vững. Ưu đãi về thuế, đất đai cho các dự án nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bảy là, xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định. Hỗ trợ các hợp tác xã và doanh nghiệp địa phương đưa sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử. Tổ chức các hội chợ nông sản tại các thành phố lớn trong nước và quốc tế. Mở rộng quan hệ đối tác với các nhà xuất khẩu. Nâng cấp các sản phẩm OCOP của tỉnh để đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Tám là, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải, thúc đẩy sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để thay thế các sản phẩm hóa học độc hại.

Các giải pháp trên không chỉ tập trung vào việc giải quyết những khó khăn hiện tại mà còn định hướng cho sự phát triển bền vững và lâu dài của nông nghiệp tỉnh Ninh Bình. Thông qua việc đầu tư đồng bộ, tận dụng lợi thế địa phương và đổi mới tư duy sản xuất, tỉnh Ninh Bình có thể xây dựng thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế xanh./.

Cùng chuyên mục
Nông nghiệp sinh thái tại tỉnh Ninh Bình- Nhiều tiềm năng phát triển