Xuất khẩu nông sản năm 2014 lập kỷ lục mới đạt hơn 30 tỷ USD. Ảnh: T.S
Xuất khẩu tăng kỷ lục
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành trong năm 2014 đạt 3,31%; tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt 829,3 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Nông nghiệp đạt 618,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,63%; lâm nghiệp đạt 23,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6%; thuỷ sản đạt 187,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,43%. Chất lượng tăng trưởng của ngành đã được cải thiện đáng kể, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 67,8 % năm 2014.
Trong trồng trọt, đã chuyển đổi mạnh mẽ diện tích sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả sang những cây trồng có năng suất, chất lượng cao hơn. Khuyến khích và hỗ trợ sử dụng giống mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ước cả năm, sản lượng lúa đạt 45 triệu tấn, tăng gần 1 triệu tấn. Diện tích ngô đạt khoảng 1,21 triệu ha, tăng 38 nghìn ha; sản lượng khoảng 5,45 triệu tấn, tăng 4,8%. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 50,5 triệu tấn, tăng 1,2 triệu tấn so với năm 2013. Diện tích cây công nghiệp lâu năm tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong đó, cà phê đạt 590 nghìn ha, năng suất và sản lượng đều tăng từ 4 -5%, đưa sản lượng đạt 1,36 triệu tấn. Hồ tiêu đạt 52 nghìn ha, sản lượng đạt 125 nghìn tấn, tăng 2,5%.
Về chăn nuôi, ước tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 4,47 triệu tấn, tăng 2,7%. Trứng và sữa tươi tăng lần lượt là 6,4% và 15,6%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt 14,7 triệu tấn, tăng 6,5% so với năm 2013. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi theo giá so sánh 2010 đạt 151.392 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2013; tỷ trọng chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 24,5%.
Đối với thủy sản, năm 2014, tình hình thời tiết, nguồn lợi khá thuận lợi cho khai thác và nuôi trồng thủy sản. Ước tính cả năm 2014, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 6,2 triệu tấn, tăng 4,75% so với năm 2013. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 2,584 triệu tấn, bằng 95,3% so với năm 2013; sản lượng nuôi trồng đạt 3,62 triệu tấn, tăng 12,8% so với năm 2013.
Dù yếu tố thị trường trong và ngoài nước trong năm 2014 có nhiều yếu tố bất lợi, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cả năm đã thiết lập kỷ lục với 30,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Thặng dư thương mại của ngành ước đạt 9,5 tỷ USD tăng 7,7% so với năm 2013, trong đó, có 10 mặt hàng đóng góp kim ngạch trên 1 tỷ USD như gạo, cà phê, cao su, điều, rau quả…
Còn nhiều dư địa để phát triển
Thành công của ngành Nông nghiệp trong năm 2014 đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thừa nhận, ngành Nông nghiệp vẫn còn bộc lộ những tồn tại, yếu kém như tốc độ tăng trưởng GDP của toàn ngành đã tăng trở lại nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn 2006 - 2010; khả năng cạnh tranh của một số nông sản chưa cao, thị trường xuất khẩu thiếu ổn định; tỷ trọng đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chưa được cải thiện nhiều; đầu tư trực tiếp nước ngoài còn thấp…
Trước thực trạng đó, trong năm 2015, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung rà soát lại Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nông nghiệp (Quyết định 124/2012/QĐ-TTg ngày 2/2/2012) phục vụ tái cơ cấu, trong đó, đặc biệt chú trọng quy hoạch phát triển các cây công nghiệp như cao su, cà phê, điều, hạt tiêu. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; chú trọng phát triển thị trường và đổi mới phương thức hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy xuất khẩu, kích cầu thị trường nội địa, bảo đảm tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản hàng hóa. Tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm hàng nông sản, từng bước giải quyết những bức xúc trong xã hội. Phấn đấu tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 3,0 - 3,3%; giá trị sản xuất tăng từ 3,5 - 3,7% so với năm 2014. Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản đạt 32 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà ngành Nông nghiệp đã đạt được trong năm 2014. Phó Thủ tướng cho rằng, đây là năm hồi phục có nhiều ý nghĩa quan trọng của nông nghiệp Việt Nam, chặn đứng đà suy giảm trong giai đoạn vừa qua với mức tăng trưởng trung bình chỉ đạt 2,6 - 2,7%. Ngành Nông nghiệp đã đóng góp quan trọng vào việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế của đất nước; tạo tiền đề phát triển mạnh trong năm 2015 - năm bản lề thực hiện Kế hoạch 5 năm tiếp theo, hướng đến thực hiện các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp nông thôn mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, dù xuất khẩu trên 30 tỷ USD năm 2014, nhưng ngành Nông nghiệp vẫn còn dư địa rất lớn để phát triển. Bởi thực tế giá trị gia tăng, thu nhập của sản xuất nông nghiệp còn thấp, mới ở mức trung bình khoảng trên 3.000 USD/ha, trong khi Đài Loan là 12.000 USD, Hà Lan 40.000 USD/ha, thậm chí có mô hình đặc biệt đạt 2 triệu EUR/ha. Do vậy, trong quá trình tái cơ cấu, ngành Nông nghiệp cần chú trọng xây dựng chất lượng, thương hiệu cho hàng hóa nông sản để đạt giá trị gia tăng cao nhất.
Tái cơ cấu đã góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất kinh doanh của ngành nông nghiệp
Ngày 31/12/2014, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã tổ chức phiên họp giải trình về“Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp: Nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng nông, lâm, thủy, hải sản Việt Nam”.
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, sau hơn 1 năm thực hiện Đề án, cơ cấu các ngành sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với thị trường và đã đem lại lợi ích to lớn cho nông dân. Tái cơ cấu đã góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất kinh doanh của toàn ngành. Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, đại diện hợp tác xã và người nông dân liên quan đến những trọng tâm của quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong thời gian tới; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; vấn đề phát triển thị trường và mạng lưới tiêu thụ hàng hóa nông sản; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; biện pháp tháo gỡ những vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn vay của DN và người dân.
THANH TÙNG