Ô nhiễm không khí kéo dài: Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp khẩn

(BKTO) - Trước việc chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn liên tục ở mức kém, gây lo lắng trong cộng đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản khẩn gửi Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để mời tham dự cuộc họp tìm ra các giải pháp cấp bách khắc phục ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP. HCM. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà sẽ chủ trì cuộc họp khẩn.



                
   

Nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội có chỉ số ô nhiễm bụi ở mức cao - Ảnh: Internet

   

Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường thời gian vừa qua, tình hình chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn, trong đó có thành phố Hà Nội và TP. HCM luôn ở mức xấu với nhiều cảnh báo ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

"Dù các cấp quản lý đã triển khai thực hiện một số biện pháp để cải thiện tình hình, nhưng diễn biến ô nhiễm không khí trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng", văn bản của Bộ nêu rõ.

Trước tình hình thực tế đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản mời tham dự cuộc họp về các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí gửi Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Y tế; Ủy ban Nhân dân, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội và TP. HCM.

Cuộc họp tổ chức vào chiều ngày 19/12 sẽ do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì. Cuộc họp sẽ trao đổi, thảo luận về tình hình thực hiện Quyết định số 985/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đồng thời phối hợp xác định nguyên nhân và đưa ra các biện pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí tại các thành phố lớn.

Trước đó, ngày 14/12, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã đưa ra thông tin quan trắc thực tế cho thấy, trong tuần qua từ ngày 7-13/12 mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội có xu hướng tăng hơn so với tuần trước (từ ngày 30/11-6/12). Đặc biệt là trong các ngày từ 10-13/12, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu (giá trị từ 201-300).

Riêng tại Hà Nội, có trạm đo được giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép gần 2-3 lần. Số liệu quan trắc tại các trạm ở Khánh Hòa và Đà Nẵng cũng có xu hướng tăng nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Theo dự báo thời tiết, khoảng thứ Tư ngày 18/12 có thể có mưa. Do đó trong một vài ngày tới, chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức xấu.

Với diễn biến chất lượng không khí nêu trên, Tổng cục Môi trường đã nhiều lần đưa ra cảnh báo mọi người nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM2 khi đi ra đường.

Mới đây, Bộ Y tế cũng đã chính thức đưa ra 14 khuyến cáo và hướng dẫn người dân bảo vệ sức khoẻ trong bối cảnh Hà Nội và TP. HCM liên tiếp có mức độ ô nhiễm không khí ở mức nguy hại.

Theo đó, đối với người dân, Bộ Y tế khuyến cáo thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống; hạn chế ra khỏi nhà, ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Ngoài ra, người dân cũng nên trồng cây xanh trong và quanh nhà; hạn chế mở cửa, đặc biệt khi sống gần đường giao thông, khu vực ô nhiễm; hạn chế dùng bếp than, củi, rơm rạ; thay thế bằng bếp điện, bếp từ, bếp ga; bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc.

Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, người già yếu, Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn; hạn chế tối đa đi ra ngoài; tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa; nếu có dấu hiệu khó chịu nên đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa; đặc biệt tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.

AN CHI (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
  • Ngành thép Việt có bị ảnh hưởng trước việc Mỹ áp thuế 456%?
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Liên quan tới thông tin Mỹ áp thuế đến 456% với thép nhập khẩu xuất xứ Việt Nam, các doanh nghiệp và chuyên gia ngành thép cho rằng, việc áp thuế sẽ không gây ra quá nhiều tác động tiêu cực đối với ngành thép Việt.
  • WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 đạt 6,8%
    4 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngày 17/12, tại buổi họp báo công bố Báo cáo Điểm lại – cập nhật tình hình kinh tế kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá: Kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong năm 2019 với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%, nợ công giảm gần 8 điểm % GDP so với năm 2016 và thương mại thặng dư liên tiếp bốn năm qua. Đây là những kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại.
  • Dự kiến nâng trần chi phí lãi vay của doanh nghiệp lên 30%
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 8, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết (Nghị định 20). Nghị định này sẽ được trình Chính phủ trong tháng 12 để áp dụng cho kỳ quyết toán thuế năm 2019.
  • TP. HCM: Thanh, kiểm tra thuế gần 20.000 doanh nghiệp
    4 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Gần 20.000 doanh nghiệp đã được Cục Thuế TP. HCM thanh, kiểm tra về công tác chấp hành pháp luật thuế.
  • Doanh nghiệp đánh giá cao  nỗ lực cải cách của ngành hải quan
    4 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Kết quả đánh giá mức độ hài lòng của DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2018 cho thấy, khoảng 80% DN đánh giá sự hỗ trợ của ngành hải quan là kịp thời và hiệu quả. Đánh giá tích cực này cũng đã được minh chứng qua những nỗ lực cải cách hành chính của ngành hải quan.
Ô nhiễm không khí kéo dài: Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp khẩn